Đồng Nhân dân tệ: “Lùi để tiến“?
Đồng Nhân dân tệ (NDT) giữa tuần này đã lao dốc khoảng 0,16% xuống mức 1 USD đổi 6,67 NDT – Giới phân tích cho rằng đây là bước “tập dượt” trước khi NDT được IMF đưa vào rổ tiền tệ dự trữ của mình vào tháng 10 tới.
Đây được cho là mức giảm thấp nhất của NDT kể từ 6 năm trở lại đây. Dù lần giảm này được cho là “sốc” nhất nhưng những tín hiệu về sự suy giảm của NDT đã có từ cách đây hơn một tháng khi nó giảm khoảng 0,6% so với USD.
Tham vọng toàn cầu hóa NDT
Về kỹ thuật, việc ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng các chính sách tiền tệ ở thời điểm này rõ ràng là một bước để chuẩn bị cho việc NDT đưa vào rỏ tiền IMF. Mặt khác, nó cũng nằm trong kế hoạch để đồng NDT tiến sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với mục tiêu sẽ lấn át đồng USD và toàn cầu hóa đồng NDT.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này thì Bắc Kinh gần đây đã tăng cường các hoạt động thương mại với nhiều tổ chức, thị trường và cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc sử dụng rộng rãi đồng tiền này, trong đó Matxcova là một ví dụ.
Tờ Sputnik của Nga mới đây đưa tin một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế phía Đông năm 2016 được tổ chức tại thành phố Vladivostok của Nga (ngày 2-3/9/2016), Hội đồng Tài chính Nga – Trung với 27 cơ quan tài chính của Nga và 29 cơ quan của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp nhằm tăng cường quan hệ giữa các cơ quan tài chính của hai nước.
Mục tiêu hoạt động của Hội đồng là tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch chi trả bằng đồng nội tệ của hai nước, đồng thời đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại trong kế hoạch Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa với tham vọng đưa cả Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) vào cuộc.
Cẩn thận “gậy ông đập lưng ông”
Theo các chuyên gia, có ba trụ cột cho việc quốc tế hóa một đơn vị tiền tệ: Thứ nhất, kích cỡ của nền kinh tế quốc gia cũng như khối lượng giao dịch kinh thương; Thứ hai, độ rộng và độ sâu của tính thanh khoản đơn vị tiền tệ đó ở các thị trường tài chính toàn cầu; Thứ ba, tính ổn định cũng như khả năng chuyển đổi sang đơn vị tiền tệ khác… Nhưng có vẻ như cả 3 tiêu chí trên NDT đều chưa đạt được một cách đầy đủ.
Điều đáng nói ở đây là dường như Trung Quốc càng nỗ lực để quốc tế hóa đồng NDT thì hiệu quả của quá trình này lại đang tác dụng ngược. Bằng chứng là các giao dịch NDT trong thời gian gần đây suy giảm tương đối. Lượng tiền giao dịch bằng NDT tại thị trường Đài Loan, Singapore, Hongkong, những thị trường ngoài Trung Quốc có sử dụng đồng NDT nhiều nhất lại chỉ đạt 1,24 nghìn tỷ NDT, tương đương 188 tỷ USD, con số này được cho là giảm tới 16% so với trước đó.
Theo tính toán của giới tài chính, nếu NDT giảm 1% tương ứng với nó là tổng các khoản nợ thanh toán bằng USD của các công ty Trung Quốc sẽ tăng lên 8 tỷ USD. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc khi làm ăn bên ngoài cũng không mặn mà với việc thanh toán bằng NDT bởi họ vẫn lo ngại đồng NDT sẽ mất giá và lo ngại này cũng hoàn toàn có cơ sở khi đồng NDT đã không ổn định trong thời gian gần đây.