Đồng Rúp Nga nằm trong top các đồng tiền tăng giá ở các nước đang phát triển

Theo Nhật Trung/thitruongtaichinhtiente.vn

Những gì đang xảy ra với đồng Rúp Nga trên thị trường ngoại hối toàn cầu đang được hầu hết các chuyên gia đánh giá là dị thường. Nếu vào đầu tháng 3, theo đúng nghĩa đen, mọi người đều “chôn” đồng Rúp thì giờ đây, tâm trạng đã đảo ngược. Tỷ giá đồng Rúp đã quay trở lại các giá trị của năm ngoái.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng tiền mạnh nhất trong tháng

Chỉ tính trong tháng 4, đồng Rúp đã trở thành đồng tiền mạnh nhất trong tháng, với mức tăng 18% so với đồng Đô la Mỹ (USD). Đồng thời, đồng USD tự phá vỡ mọi kỷ lục - trung bình, đồng tiền này đã tăng thêm 5% so với rổ tiền tệ quốc tế khác.

Nếu nhìn vào khoảng thời gian từ đầu năm, kết quả sẽ khiêm tốn hơn một chút, nhưng thậm chí như vậy, đồng Rúp vẫn dẫn đầu. Trong số các nước đang phát triển, chỉ có đồng Real của Brazil tăng giá cao hơn. Đồng Rúp Nga đứng ở vị trí thứ hai.

Vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4, đồng USD được giao dịch ở mức khoảng 71 Rúp trên Sở giao dịch Moscow và đồng Euro - khoảng 75 Rúp. Để so sánh, vào giữa tháng 3, tỷ giá USD/RUB ở mức 120 - 130 Rúp.

Theo Bloomberg, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 29/4/2022, đồng tiền của một số nước đang phát triển thay đổi như sau (dấu + hàm ý tăng giá; dấu – hàm ý giảm giá): Đồng Real của Brazil + 14%; Đồng Rúp Nga + 6,2%; Rand Nam Phi (ZAR) + 1,2%; Peso Mexico (MXN) + 0,9%; Rupee Ấn Độ (INR) -2,3%; Bạt Thái Lan (BAT) -2,7%; Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (TRY) -9,7%; Peso Argentina (ARS) -10,8%; Bảng Ai Cập (EGP) -14,9%

    Biểu đồ: Tỷ giá USD so với đồng tiền một số nước đang phát triển

Đồng Rúp Nga nằm trong top các đồng tiền tăng giá ở các nước đang phát triển - Ảnh 1

Nguồn: Investing.com

 

Tại sao đồng Rúp bổng dưng lại tăng giá như vậy?

Sự bất thường được giải thích khá đơn giản. Một số yếu tố đã củng cố sự tăng giá của đồng Rúp. Các yếu tố này đã đưa tỷ giá đồng Rúp trở lại khuôn khổ trong hai năm qua.

Thứ nhất, dòng thu nhập từ xuất khẩu. Bất chấp các lệnh trừng phạt, gần đây, nước Nga đã nhận được 50 tỷ USD/tháng.

Dầu có giá trên 100 USD một thùng. Giá khí đốt, kim loại và phân bón đang ở mức cao trong lịch sử. Nhưng ngược lại, nhập khẩu đã ngừng lại. Kết quả là, tình trạng thặng dư ngoại tệ bắt đầu xuất hiện trong nước.

Thứ hai, chính phủ Nga đưa ra các hạn chế đối với các nhà xuất khẩu. Họ có nghĩa vụ bán trên thị trường 80% thu nhập từ ngoại hối. Nếu như trước đó, họ có thể tự ý làm theo ý mình thì bây giờ, phạm luật là không thể.

Thứ ba, các nhà đầu tư phương Tây nắm giữ tiền trong các tài sản của Nga bị cấm bán chúng. Trên thực tế, các tài sản này hiện đang bị đóng băng - giống như dự trữ quốc tế của Nga bằng USD và Euro. Và nếu người nước ngoài không thể bán cổ phiếu và trái phiếu của Nga, điều này làm giảm áp lực lên đồng Rúp. Nếu không, họ sẽ mua ngoại tệ bằng số tiền thu được và rút ra nước ngoài.

Thứ tư, Ngân hàng Trung ương đưa ra mức phí cao cho việc mua ngoại tệ. Ngoài ra, theo các nguồn tin trong lĩnh vực ngân hàng, NHTW đã đưa ra các khuyến nghị ngầm để đưa ra tỷ giá cực kỳ bất lợi cho việc mua USD và Euro.

Điều này làm cho việc mua ngoại tệ của các cá nhân trở nên vô nghĩa. Nhu cầu cho các hoạt động như vậy là rất ít. Trả quá 10 - 15% so với tỷ giá thị trường và đồng thời, không thể nhận ngoại tệ bằng tiền mặt - không có kẻ “ngốc” nào làm như vậy.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo các nhà phân tích, tỷ giá đồng tiền quốc gia quá cao không mấy có lợi cho nền kinh tế. Nó làm giảm nguồn thu ngân sách tính bằng đồng Rúp.

Cụ thể, cần phải trả lương hưu, trợ cấp, tiền lương cho nhân viên nhà nước và tài trợ cho các chi phí khác của Kho bạc bằng đồng Rúp.

Đồng thời, tỷ giá hối đoái cao hơn làm cho cuộc sống của các nhà nhập khẩu dễ dàng hơn. Họ có thể mua hàng hóa nước ngoài với chi phí thấp hơn. Điều này sẽ giúp nhanh chóng xây dựng lại nền kinh tế theo hướng mới và giảm áp lực lạm phát.

Tại một cuộc họp báo được tổ chức vào 29/4/2022, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, bà Elvira Nabiullina, cho biết rằng Ngân hàng Trung ương không có kế hoạch đặt mục tiêu tỷ giá. Tuy nhiên, có cảm giác rằng một giá trị thỏa hiệp nhất định vẫn được lưu tâm.

Có khả năng giá trị này nằm trong khoảng 70 đến 80 Rúp. Suy đoán này được hỗ trợ bởi thực tế là, khi thấy tỉ giá đồng Rúp rơi dưới 70 Rúp, Ngân hàng Trung ương đã thông báo về việc loại bỏ một số hạn chế ngoại tệ.

Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương đề xuất với chính phủ hủy bỏ việc bắt buộc bán thu nhập ngoại hối đối với các nhà xuất khẩu sản phẩm chế biến và giảm tỷ trọng đối với nguyên liệu thô từ 80% xuống 50%.

Điều này có thể làm chậm lại một chút tốc độ tăng giá của đồng Rúp hoặc thậm chí ngăn chặn đà tăng giá. Theo Thống đốc Nabiullina, Ngân hàng Trung ương sẽ hành động từng bước, không có những bước đi đột ngột: loại bỏ một số hạn chế - xem những hành động này ảnh hưởng như thế nào đến tỷ giá – tiếp tục loại bỏ các hạn chế sau. Tất cả nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính và khả năng dự đoán cho tất cả các chủ thể kinh tế.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng trong dài hạn, đồng USD và đồng Euro vẫn sẽ tăng giá. Có thể có một số lý do cho điều này. 

Thứ nhất, lạm phát ở Mỹ và châu Âu thấp hơn so với Nga. Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có thể dẫn đến giảm giá dầu. Đúng như thực tế đã chỉ ra, mặc dù cho đến nay, Ngân hàng Trung ương vẫn gọi tỉ giá đồng Rúp là thả nổi, nhưng cơ quan quản lý tài chính có đủ đòn bẩy để thực hiện cam kết này. Nhưng dao động quá xa sẽ không được phép.