Dự báo nhà vườn đào, quất trúng Tết Mậu Tuất
Những nụ đào đang chúm chím, từng bông đào bói đang dần khoe sắc giữa thủ phủ đào Nhật Tân - Hà Nội. Quất cảnh tại các vườn Văn Giang - Hưng Yên cũng bắt đầu vào mã với quả mọng và chuyển sắc vàng. Nhà vườn Tết này chiều hướng thuận hòa và người dân được chơi những cây đào, quất trúng hoa, trúng quả.
“70% đào nở trúng tết”
Những nụ đào đang chúm chím, từng bông đào bói đang dần khoe sắc giữa thủ phủ đào Nhật Tân - Hà Nội. Quất cảnh tại các vườn Văn Giang - Hưng Yên cũng bắt đầu vào mã với quả mọng và chuyển sắc vàng. Nhà vườn Tết này chiều hướng thuận hòa và người dân được chơi những cây đào, quất trúng hoa, trúng quả.
Đây là dự đoán của anh Kỳ Anh - chủ nhà vườn Kỳ Anh - Nhật Tân, người có gần 30 năm kinh nghiệm trồng đào uốn, đào thế.
“Đào Nhật Tân cổ khó chăm sóc hơn đào rừng. Để có được một gốc đào đẹp, nhà vườn chúng tôi phải chọn lựa gốc đào, dù là gốc đào Nhật Tân hay đào rừng Sapa. Gốc đào Nhật Tân kén phân chăm sóc, hoa chỉ đẹp khi được bón phân tự nhiên. Còn gốc đào lai giữa gốc đào rừng và đào Nhật Tân thì có thể bón bằng phân hóa học. Theo thời tiết năm nay, 70% đào nở trúng Tết nên người dân sẽ được chơi những cây đào đẹp, với bông dày cánh và đượm sắc, tươi tắn…”, anh Kỳ Anh cho biết.
Thời điểm này, đào chỉ cần lượng nước, độ ẩm vừa phải để giữ ẩm, phát triển ra nụ và nở hoa. Việc khoanh cổ đào, tạo nên vết sần sùi, ngấn đào vào tháng 8 âm lịch hàng năm là một việc làm vô cùng quan trọng để đào đơm nụ, kết bông trúng Tết. Việc khoanh cổ cho đào chỉ được thực hiện bởi những người giàu kinh nghiệm trong nghề trồng đào.
Cụ Thọ, 79 tuổi - một trong những người trồng đào lâu năm tại làng Nhật Tân chia sẻ: "Đào muốn kết nụ, ra nhiều bông đẹp phụ thuộc rất nhiều vào việc khoanh cổ đào. Khoanh cổ sâu quá thì đào chết, khoanh cổ nông quá thì đào ra toàn lá. Việc làm này từ xưa tới nay chỉ dành cho đàn ông có kinh nghiệm. Nếu năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại như đợt rét vừa qua thì chẳng có đốt lửa nào sưởi ấm được, cũng chẳng có tiêm kích thích gì cho đào mau nở hoa. Tưới nước, giữ ẩm là biện pháp duy nhất mà người kinh nghiệm làm vườn như chúng tôi mới làm được cho đào kết nhiều nụ và ra dầy hoa".
Tại vườn hoa Nhật Tân, Phú Thượng và làng Bạc, từng nụ đào bắt đầu chúm chím, những bông đào bói bắt đầu nở. Đào thường nở thành 2-3-4 đợt mới hết nên lúc này, những bông đào bói bắt đầu khoe sắc. Để có được bông đào phai, cánh kép dầy và đẹp là nhờ vào những đôi tay nghệ nhân trồng đào Nhật Tân ghép mắt giữa gốc đào rừng, hoa đơn, chỉ nở 5 cánh với mắt bích đào kép của Nhật Tân cho ra được đào phai, cánh kép. Việc ghép mắt đào này thường được thực hiện vào trung tuần tháng 12 năm trước, để đến năm sau nhà vườn sẽ được thu hoạch đào phai, cánh kép.
Giá cành đào tại vườn hiện nay dao động từ 30-40 nghìn đồng đến 700-800 nghìn đồng đối với cành đào to và ra nhiều nụ. Thời điểm này, đào rừng chưa có nụ và hoa. Theo kinh nghiệm của người trồng đào, đào rừng sẽ xuất hiện tại thị trường Hà Nội vào khoảng sau rằm tháng Chạp. Những cành đào to, cao, nở hoa lác đác màu đào phai tại các chợ và đường phố bây giờ vẫn là đào Nhật Tân, không phải đào rừng.
Quất, bưởi bắt đầu vào mã
Quan sát trên dọc tuyến phố Lạc Long Quân, quất cảnh và bưởi đã được bày bán cho khách muốn chơi cây sớm đến mua. Quất được người mua buôn tại vườn Văn Giang - Hưng Yên, ở vườn những cây quất năm nay được bàn tay nhà vườn tạo thế, dáng hình chiếc lục bình, cao khoảng 2m rất bắt mắt. Giá cây quất cảnh dao động từ 300-500 nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng/cây.
Khách từ các tỉnh đổ về Hà Nội mua hoa cúc gấm, cúc đại đóa, hoa cánh bướm về trồng trên các đường phố, nơi công sở từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch. Năm nay, do mưa nhiều trước Tết Nguyên đán, cộng thêm đợt rét đậm vừa qua nên hoa ở các tỉnh khan hiếm. Khách hàng đổ về vườn hoa Tây Tựu mua hoa về trồng tại các khuôn viên tỉnh nhà.