Dự báo sát tình hình, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trong năm 2024, Chính phủ cần quan tâm, dự báo sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực
Chiều 11/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo đúng yêu cầu của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục có những đổi mới để nâng cao chất lượng Báo cáo.
Báo cáo đã cơ bản bám sát Đề cương và các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phản ánh rõ tình hình, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,8% các vụ việc khiếu nại, 86,2% các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác này của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các số liệu, bổ sung thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể trong Báo cáo nhằm thể hiện đầy đủ hơn kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 như đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ đầy đủ.
Làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”
Thẩm tra kết công tác tiếp công dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, so với năm 2022, năm nay số lượt, số người, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh (tăng 37,5% về số lượt, 41,8% về số người, 33,2% về số vụ việc), nhưng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác tiếp công dân.
Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các Bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh so với ở địa phương, nhất là về số lượng đoàn đông người (ở các Bộ, ngành tăng 268,6%), cho thấy tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương năm 2023 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua xem xét số liệu trong Báo cáo cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (đạt 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Đối với kết quả giải quyết khiếu nại, theo Báo cáo của Chính phủ, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tăng 15,5% và các cơ quan đã giải quyết được 81,8% tổng số vụ việc. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, tỷ lệ này tuy có thấp hơn so với năm 2022 (83,8%) và chưa đạt mục tiêu phấn đấu 85% được Chính phủ đề ra, nhưng trong bối cảnh số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết tăng mạnh thì đây là sự cố gắng, nỗ lực lớn của các cơ quan.
Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác giải quyết tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá, việc giảm số vụ việc tố cáo, nhất là trong bối cảnh khiếu nại tăng nhiều cho thấy giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong giải quyết tố cáo đang đi đúng hướng.
Quyết liệt chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp
Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhận định của Chính phủ về dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm tới và các nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ lưu ý phân tích, đánh giá thêm một số vấn đề để dự báo sát hơn tình hình năm 2024, cụ thể:
Các dự án đầu tư lớn đã và đang được khẩn trương triển khai, các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh khiếu nại tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường.
Tình hình kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực... tác động đến người lao động, doanh nghiệp về vấn đề việc làm, thu nhập... có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, của chủ doanh nghiệp...
Năm 2024 là năm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có thể phát sinh đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự; đồng thời, đây cũng là năm tập trung thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, có thể dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)..., một mặt sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai, khắc phục nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, do quyền lợi của người dân theo quy định mới của các văn bản luật này được bảo đảm tốt hơn nên cũng có thể phát sinh tâm lý “so bì” dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.