Du lịch Hà Nội thiệt hại nặng, an toàn của khách vẫn đặt lên hàng đầu

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội đang rốt ráo phòng tránh dịch bệnh với những giải pháp tối ưu nhất.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm khách du lịch giảm, đường phố vắng vẻ vì dịch corona.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm khách du lịch giảm, đường phố vắng vẻ vì dịch corona.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra khiến du lịch Hà Nội tổn thất lớn nhất từ trước đến nay, song sự an toàn của du khách vẫn được đặt lên hàng đầu.

Cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đang rốt ráo phòng tránh dịch bệnh với những giải pháp tối ưu nhất, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đã khẳng định như vậy tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra trong hoạt động du lịch Thủ đô, diễn ra ngày 4/2.

Thiệt hại nặng đối với ngành du lịch

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội ngày 4/2 cho thấy lượng khách hủy đặt phòng lưu trú và hủy tour tăng mạnh trong thời điểm này.

Cụ thể, đối với các cơ sở lưu trú, số lượng phòng hủy là 13.286 phòng với 16.297 khách quốc tế; đối với các doanh nghiệp lữ hành, số lượng khách quốc tế vào Hà Nội hủy tour là 7.642 khách, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài hủy tour là 7.198 khách, khách nội địa hủy tour là 3.120 khách.

Hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm từ 30-50%. Số lượng khách tại các điểm đến trên địa bàn Hà Nội cũng giảm từ 30-50%.

Hầu hết người tham gia hội nghị nhận định thời điểm này chưa phải cao điểm của dịch bệnh và tác động của nó sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, nhất là tháng 4/2020, khi giải đua xe công thức 1 diễn ra tại Hà Nội thì tác động của dịch bệnh do chủng mới virus nCoV gây ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc đón khách của ngành du lịch.

Đại diện Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Kim Liên cho biết, với thị trường du lịch chủ yếu là Trung Quốc nên khi dịch bệnh diễn ra, đơn vị đã thiệt hại nặng.

Tính đến hết ngày 3/2, lượng khách quốc tế vào Việt Nam và khách trong nước đi du lịch nước ngoài hủy tour tại công ty lên tới gần 10.000 người. Doanh thu quý 1 của công ty gần như không có.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty vận chuyển Minh Việt, thị trường khách Trung Quốc hủy hợp đồng vận chuyển qua công ty lên tới 40%, các thị trường khách quốc tế khác cũng hủy đáng kể.

Bà Nguyễn Việt Hà, Khách sạn Sofitel Legend Metropole, cho biết lượng khách hủy đặt phòng tại khách sạn là 20%, trong đó thị trường khách Trung Quốc dường như dừng lại hết. Trong những ngày gần đây, lượng khách hủy phòng đang ngày càng tăng lên.

Đây cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và vận chuyển. Điều các đơn vị lo lắng là dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp và mức độ ảnh hưởng đến ngành du lịch sẽ ngày càng lớn hơn.

Tuy nhiên, dù có thiệt hại nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo quyền lợi khách hàng, trả lại toàn bộ tiền đặt tour, đặt dịch vụ của khách, thương thảo với các đối tác để cùng chia sẻ trong thời gian khó khăn này.

Đảm bảo an toàn cho khách du lịch

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Hà Nội, Việt Nam; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang quyết liệt đảm bảo an toàn cho khách đang trong hành trình tham quan.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, chia sẻ doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần hiểu rõ rủi ro về dịch bệnh để có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Khách cần phải được cung cấp đủ khẩu trang, thuốc sát khuẩn; xe vận chuyển và phòng lưu trú cũng phải khử trùng để tránh lây chéo; các cơ sở ăn uống phải đảm bảo vệ sinh; các điểm đến cũng phải đảm bảo an toàn cho khách...

Như vậy, việc phòng chống dịch bệnh phải có sự chung tay, kết nối của cả một chuỗi dịch vụ liên quan. Hơn nữa, dịch bệnh dự báo có thể kéo dài nên việc ứng xử trong phòng chống như nào và hậu dịch bệnh cũng cần được tính đến để đảm bảo cho khách cũng như ngành du lịch nói chung.

Với hàng trăm doanh nghiệp hội viên, thời gian qua, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và triển khai cách phòng chống đến các đơn vị hội viên.

Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Câu lạc bộ tổ chức phát miễn phí khẩu trang tại những nơi tập trung đông khách du lịch như Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Bảo tàng Dân tộc học, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với số lượng lên đến 100.000 chiếc.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng phối hợp với các đơn vị phát khẩu trang miễn phí tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết dù các doanh nghiệp hội viên đang gặp khó khăn trong giai đoạn này song vẫn chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh lây lan, với khẩu hiệu “Mỗi khách du lịch cần được an toàn khi đến Việt Nam.”

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nhiều người tham gia vào chuỗi dịch vụ, một khách du lịch hủy tour sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác trong chuỗi dịch vụ đó. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng mong muốn các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn này.