Đưa vốn mới vào để giảm sở hữu chéo ngân hàng?
(Tài chính) Nói về vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Để giải quyết tốt vấn đề này, trước hết chúng ta phải xác định lại quan hệ trong cơ cấu sở hữu chéo để kiểm soát trước. Nếu có quan hệ về mặt sở hữu, thì phải công bố thông tin, phải chịu hạn chế trong việc đầu tư và cho vay".
Khó xác định
Không phải mọi hình thức sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đều đáng lo ngại, mà trái lại, trong thời điểm nền kinh tế ổn định, môi trường cạnh tranh lành mạnh thì việc sở hữu chéo ở giới hạn nhất định giúp cho doanh nghiệp đó phát triển một cách hoàn hảo. Thậm chí, những tác động tích cực của sở hữu chéo trước đây còn giúp các ngân hàng nhỏ mở rộng được quy mô, nâng cao được năng lực về tài chính, công nghệ, nhân sự... nhờ các ngân hàng lớn tham gia hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước muốn nâng chất lượng hệ thống ngân hàng bằng việc tái cơ cấu thì vấn đề sở hữu chéo lại trở thành “tảng đá” ngáng đường. Theo ông David Blackhall, Giám đốc điều hành VinaLand Limited, hiện tại có 2 khó khăn của các ngân hàng Việt Nam trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đó là nhiều ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng thấp, quản trị kém và sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng, trong đó, yếu tố sở hữu chéo đặc biệt quan trọng.
Quan trọng bởi sở hữu chéo trước đây dẫn đến một số sai phạm không đáng có. Ví dụ, thông qua sở hữu chéo, cổ đông ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B để góp vốn vào ngân hàng A và ngược lại. Hoạt động đi vay này tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng. Nguồn vốn ảo từ việc sở hữu chéo dẫn đến sai lệch việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng vì rất nhiều chỉ số được ghi nhận là dựa trên số vốn tự có, nhưng thực tế, vốn đó là “ảo”. Các chỉ số không chính xác lại dẫn đến sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc giám sát đối với hệ thống tài chính.
Từ đây, muốn tái cấu trúc một ngân hàng hoặc thu hút vốn đầu tư bên ngoài vào thì ngân hàng đó phải chứng minh được nguồn vốn thật.
Một vấn đề khác về sự phức tạp của sở hữu chéo, là xác định tỷ lệ phần trăm chủ sở hữu. Theo quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của một TCTD, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD... nhằm hạn chế sự thâu tóm ngân hàng trái pháp luật.
Song, trên thực tế tỷ lệ này đã không đi vào thực tiễn kinh doanh. Từ đó, việc pháp luật không cho phép TCTD cho vay đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người thân của họ và một số đối tượng khác sẽ bị vô hiệu hóa. Bởi vì những trường hợp này có thể vay ở TCTD khác mà tổ chức đó cùng lúc tham gia vốn sở hữu.
Trên thực tế, khó khăn này cũng được nêu rất rõ trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trong đó, nhà chức trách cũng đưa ra nội dung quan trọng: Tái cấu trúc đồng thời phải giảm thiểu và đi tới loại bỏ sở hữu chéo không đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống tài chính. Nhưng hiện trạng các ngân hàng yếu kém phải tái cấu trúc đang có tình trạng sở hữu chéo rất phức tạp. Các nhóm cổ đông đang sở hữu các ngân hàng, rồi các ngân hàng này sở hữu các ngân hàng khác, các ngân hàng này lại thuộc sở hữu của các tổ chức tài chính khác.
Từ đó, các tổ chức tài chính “lách” hầu hết các quy định về bảo đảm an toàn: đủ vốn, giới hạn tín dụng, giới hạn đầu tư, góp vốn cổ phần, đảm bảo khả năng chi trả, kiểm soát nợ xấu…
Vốn ngoại có khả thi?
Khi bàn về giải pháp giải quyết tình trạng sở hữu chéo, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng nên đưa nguồn vốn mới vào DN.
“Hiện tại nhà nước vẫn nắm cổ phần đa số tại nhiều doanh nghiệp quan trọng. Nhà nước có thể xem xét giảm quyền sở hữu nhà nước, tạo cơ hội cho NĐT nước ngoài. Chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa cần được đẩy mạnh để NĐT nước ngoài có thể nắm giữ số lượng lớn cổ phần có giá trị và ý nghĩa đáng kể trong danh mục. Chẳng hạn như trường hợp IPO của Vinatex diễn ra cuối năm 2013…”, ông David Blackhall nói.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam thừa nhận, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiệu quả việc mời thêm NĐT mới là khả quan.
Song theo ông Thành, điều này sẽ nảy sinh một số vấn đề như mặc dù các NĐT mới có vốn thật, góp được tiền thật, tăng được vốn cho ngân hàng, nhưng việc thay thế các cổ đông cũ rất khó khăn do quan hệ sở hữu chéo. Kết quả là ngân hàng mới có thể tiếp nhận được vốn mới, có thể khắc phục tình trạng yếu kém, nhưng tình hình phức tạp hơn bởi các NĐT cũ vẫn còn đó.
Rõ ràng, việc thêm vốn từ NĐT mới có thể xảy ra việc sở hữu chéo tiếp tục tồn tại trong tương lai. Đó là chưa kể vốn đến từ các NĐT mới, tiền đấy có phải tiền thực không hay để có vốn mới họ cũng phải vay chỗ khác rồi dẫn tới hiện tượng quan hệ sở hữu và đi vay vẫn đan xen nhau.
“Do vậy, để giải quyết tốt vấn đề này, trước hết chúng ta phải xác định lại quan hệ trong cơ cấu sở hữu chéo để kiểm soát trước. Nếu có quan hệ về mặt sở hữu, thì phải công bố thông tin, phải chịu hạn chế trong việc đầu tư và cho vay. Chẳng hạn, nếu tôi nắm quyền sở hữu nhưng thuê người làm đại diện cho HĐQT, thậm chí là Chủ tịch HĐQT, tôi sẽ không bị chi phối. Từ đó, việc xác định lại quan hệ các đối tượng có liên quan và hạn chế sở hữu, đặc biệt là các sở hữu chéo của các đối tượng liên quan này cần phải siết chặt lại”, ông Thành phân tích.
Cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề sở hữu chéo, ThS.Trịnh Thanh Huyền, Trường Đào tạo phát triển nguồn nhân lực của VietinBank cho rằng, đưa vốn vào là quan trọng, nhưng trước hết cần luật hóa vấn đề sở hữu chéo. Đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan giám sát một cách đồng bộ, bảo đảm sự giám sát thông suốt là rất cần thiết để làm rõ "bức tranh" phức tạp đã hình thành và kiểm soát chặn sở hữu chéo trong tương lai.