Dũng cảm từ bỏ cái cũ đã lỗi thời

Ts. Lưu Bích Hồ (*)

Tạp chí Tài chính đăng lại bài viết tâm huyết của chuyên gia kinh tế (đăng trên Báo Đầu tư) về những nút thắt trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Dũng cảm từ bỏ cái cũ đã lỗi thời

Một lần nữa, con người và tính đồng bộ, hệ thống trong các kế hoạch tái cơ cấu được nhấn mạnh như những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình này. Nếu không đổi mới kinh tế và chính trị đồng bộ, không thể tái cơ cấu thành công.

Bức tranh tái cơ cấu và mô hình tăng trưởng mới

Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đã được tận khai. Tăng trưởng dựa vào yếu tố vốn chiếm trên 60%, vài năm gần đây đã lên đến gần 80%, giá nhân công rẻ không còn và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ còn 2 - 3% (trước đây đã từng đạt trên 20% đến gần 30%).

Hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) đã lên đến 7 - 8 (trước đây chỉ 4 - 5) có thể coi là đỉnh điểm. Dùng vốn quá đắt, hiệu quả kém và năng suất quá thấp, đó là mức tới hạn của mô hình tăng trưởng hiện nay. Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng như trước đây và bền vững, không còn cách nào khác phải tăng năng suất.

Muốn tăng năng suất, phải vận dụng khoa học - công nghệ, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với đổi mới quản trị tại doanh nghiệp cả về cơ cấu và cơ chế; và đổi mới ở tầm quốc gia về chính sách, thể chế và bộ máy quản lý.

Những việc này chỉ có thể thực hiện được dựa vào tái cơ cấu.

Môi trường thể chế phải có đột phá theo hướng thị trường hiện đại, trong đó Nhà nước làm thật tốt chức năng định hướng và kiến tạo, chủ yếu là tạo môi trường cho phát triển, can thiệp đúng mức để phòng ngừa và khắc phục những khuyết tật của thị trường, nhất là khi nền kinh tế còn nhiều bất ổn, khủng hoảng, rủi ro. Môi trường kinh doanh phải tạo không gian rộng lớn và thuận lợi nhất cho cạnh tranh bình đẳng và từ đó tạo sức hút mạnh, không chỉ với vốn, mà quan trọng hơn là với khoa học và công nghệ.

Doanh nghiệp tự thấy triết lý phát triển là hoặc phải đổi mới sáng tạo để vươn tới sức cạnh tranh cao hơn, hoặc là dừng lại, suy tàn, phá sản. Doanh nghiệp vì thế phải bằng mọi cách tìm đến công nghệ mới, các sáng chế, phát minh, các cơ sở nghiên cứu và triển khai (R&D), các trường đại học, dạy nghề và kinh nghiệm quốc tế về phương pháp quản trị hiện đại. Tất cả các ngành sảan xuất, kinh doanh chỉ sản xuất cái gì thị trường có nhu cầu và mình có khả năng đáp ứng với chi phí rẻ, hiệu quả và chất lượng cao.

Không có quy hoạch và kế hoạch sản xuất, kinh doanh nào định trước được cụ thể sẽ làm gì trong dài hạn, mà chỉ có thể định hướng dựa vào dự báo, lắng nghe, cảm nhận được những tín hiệu của thị trường. Để thực hiện được điều đó, phải dũng cảm từ bỏ cái cũ đã lỗi thời, tiếp nhận cái mới sáng tạo, vun đắp những mầm non triển vọng.

Như vậy, tái cơ cấu bắt đầu từ tư duy, tạo ra ý tưởng phát triển mới phù hợp với đòi hỏi của thị trường, của cuộc sống; phải thiết kế được chương trình chiến lược và chương trình hành động thể hiện đúng tư duy, ý tưởng mới đó; bố trí được cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân lực thích ứng để triển khai hành động.

Từ sự đổi mới ở tầng thấp và trung gian ấy, đòi hỏi và tác động đến chính sách, thể chế ở thượng tầng nhằm đáp ứng những yêu cầu thiết yếu đó, tạo ra một nền quản trị vĩ mô hiện đại, hữu hiệu. Đến lượt nó, nền quản trị vĩ mô ấy có vai trò giữ vững sự ổn định, định hướng, kiến tạo, mở đường, kích thích, thúc đẩy, loại bỏ trở ngại cản trở sự phát triển.

Đó tạm gọi là bức tranh tái cơ cấu được diễn đạt đơn giản cho việc tạo ra một mô hình tăng trưởng mới lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh làm mục tiêu và đặc trưng chủ yếu cũng như góp phần tạo ra mô hình phát triển kinh tế nước ta nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Hy vọng từ nay đến hết kế hoạch 5 năm này, nếu làm quyết liệt, chúng ta sẽ thực hiện được một bước cơ bản việc tái cơ cấu này.

Những yếu tố quyết định

Một, những người lãnh đạo từ doanh nghiệp đến ngành, địa phương và Trung ương cùng chung ý nghĩ, thống nhất đổi mới tư duy, nhận thức về tái cơ cấu và một mô hình tăng trưởng mới, hoạt động cùng chiều, tạo thành tổng hợp lực để thực hiện mục tiêu chung.

Xin nhắc lại và nhấn mạnh một vấn đề có ý nghĩa cốt lõi của mô hình này, như nêu ở trên, là vai trò của khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế quản trị hiện đại. Hoàn toàn có lý khi rất nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong nước và trên thế giới đã nói về điều này và kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore rất nổi bật để tham khảo. Đáng tiếc, trong tư duy và nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo và quản lý của nước ta chưa coi trọng hoặc chỉ nói mà không hành động, không tìm mọi cách để thực hiện cho được, dẫu vẫn biết rằng, không hề đơn giản, nhưng không vượt qua được cửa ải này thì không thể có bước tiến mới cơ bản. Kinh nghiệm nhiều nước không thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình cũng vì vậy, chẳng lẽ chúng ta cũng như vậy?

Hai, thành công của tái cơ cấu tùy thuộc vào tầm nhìn, tâm huyết, sự trong sáng và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của lãnh đạo các ngành, các cấp, các doanh nghiệp để dẫn dắt, thúc đẩy, phát huy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể trong nền kinh tế. Dứt bỏ, loại trừ những ý nghĩ và hành động toan tính, mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đi ngược hoặc lấn át lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, quốc gia, trái với những quy định của pháp luật, thể chế. Đề cao và ràng buộc hơn nữa vai trò có ý nghĩa then chốt của người đứng đầu mọi tổ chức, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, dẫn dắt và thật sự chịu trách nhiệm trong phạm vi hoạt động mà mình đảm nhiệm. Khắc phục khâu yếu kém kinh niên là tổ chức thực hiện không đồng bộ, không kiên quyết, không triệt để, nói nhiều làm ít hoặc không làm, nay phải làm thật sự, làm quyết liệt.

Ba, thực hiện đổi mới đồng bộ về kinh tế và chính trị, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; lấy việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển (Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng). Trước mắt, đổi mới chính trị gắn chặt với công cuộc tái cơ cấu kinh tế là việc thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, đặc biệt là chống tham nhũng, và sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần nêu trên. Có thể nói, nếu không đổi mới kinh tế và chính trị đồng bộ, không thể tái cơ cấu thành công.

Bốn, mở rộng hơn nữa tầm nhìn ra thế giới, thấy rõ và nhận định được đúng nước ta đang ở đâu cùng với thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức thật sự là thế nào; đúc rút, học hỏi, lựa chọn đúng kinh nghiệm quốc tế; hòa vào và góp phần tích cực vào bước tiến chung của trào lưu tiến bộ trên thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển; xử lý êm đẹp, vững chắc mọi quan hệ đối ngoại, kể cả những vấn đề gay cấn nhất; giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế hiệu quả; tạo ra bộ mặt mới, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tến

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.