Dùng “chiêu” lãi cao lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng
(Tài chính) Để huy động được một số tiền lớn các đối tượng đã lợi dụng những người dân “nhẹ dạ cả tin” vay tiền với hứa hẹn sẽ trả lãi cao thế nhưng sau đó lại “bặt vô âm tín”.
Nạn huy động vốn với hình thức trả lãi cao, sau đó mất khả năng thanh toán, bể nợ… đã diễn ra ở khắp các địa phương, thế nhưng nhiều người vẫn thấy lợi trước mắt mà bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.
Để huy động được tiền, các đối tượng lừa đảo đã dùng những chiêu trò không mới, song nhiều người dân vẫn ngây thơ đưa tiền tỷ cho người khác để nhận lại một mẩu giấy lộn. Đến khi chuyện vỡ lở thì tài sản không còn, thậm chí có người phải ra đường, vì đã thế chấp nhà lấy tiền cho người khác vay lại với hy vọng kiếm được nhiều tiền lời…
Đơn cử, mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Định đã phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Liễu, trú số 103 Võ Xán, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh này.
Theo hồ sơ điều tra của cơ quan chức năng, năm 2007, Nguyễn Thị Liễu cùng chồng là Nguyễn Văn Năm thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hữu Tình để kinh doanh dịch vụ, xây dựng đa ngành nghề, mua bán nông sản. Do kinh doanh không hiệu quả, đến năm 2009, vợ chồng Liễu - Năm mất khả năng thanh toán tiền lãi ngân hàng và nợ vay bên ngoài cho khoản nợ gốc 3,7 tỷ đồng. Để có tiền trả nợ gốc lẫn lãi vay và tiếp tục duy trì công việc kinh doanh, vợ chồng Liễu - Năm huy động vốn bằng cách vay lãi suất cao, nói dối là để đáo hạn ngân hàng, mua đất...
Theo đơn tố cáo của những người bị hại, trong thời gian hơn 2 năm, từ năm 2010 đến tháng 3/2013, vợ chồng Liễu - Năm đã vay tổng cộng gần 54 tỷ đồng, trong đó đã trả tiền gốc được 1,9 tỷ đồng và tiền lãi gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Liễu chỉ thừa nhận chỉ còn nợ hơn 6,7 tỷ đồng, còn các tờ giấy biên nhận nợ là do Liễu viết theo yêu cầu của các chủ nợ dưới áp lực khỏi bị tố cáo trước pháp luật hoặc khi vay thì viết giấy nhận nợ, nhưng đến khi trả tiền thì không lấy lại giấy, nên không có chứng cứ chứng minh…
Tương tự, ngày 27/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử lưu động đối với bị cáo Nguyễn Thị Công, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng của vụ án, gần chục năm qua, Nguyễn Thị Công đã tổ chức huy động vốn theo hình thức chơi hụi.
Bằng hình thức này, bị cáo Công huy động tiền của hơn 200 người dân ở xã Tịnh Kỳ và các xã lân cận rồi chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng. Lợi dụng sự tín nhiệm của người chơi, Công tạo “hụi” giả để thu tiền của nhiều người. Cùng với đó, Công còn lừa tiền của nhiều người bằng hình thức vay vốn kinh doanh… Với tội danh trên, Nguyễn Thị Công đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt 18 năm tù…
Các vụ án trên là hồi chuông cảnh báo cho những ai muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, lợi dụng lòng tin của mọi người để huy động vốn bất chấp những quy định của pháp luật để rồi nhận lấy hậu quả bằng sự trừng phạt của pháp luật. Đồng thời, cảnh tỉnh cho những ai hám lợi với sự hứa hẹn trả lãi suất cao sẽ có ngày không còn nhà để ở…