Dừng tiêu xài khi vượt quá ngưỡng!
Với những người trẻ hiện đại, giới chuyên môn khuyên rằng trong mê trận khuyến mãi dùng thẻ “xài trước trả sau” mà các ngân hàng đang triển khai, nên có sự cân nhắc rõ giữa "nhu cầu" và "mong muốn".
Tiêu dùng trả góp đang là xu thế được nhiều người lựa chọn với việc tiêu dùng thông minh khi vừa có thể sở hữu ngay sản phẩm mình yêu thích mà vẫn cân đối được tài chính. Thế nên, gần đây không chỉ các công ty tài chính mà chính khối ngân hàng cũng liên tục tung ra rất nhiều sản phẩm vay mua trả góp qua thẻ, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi vô cùng hấp dẫn.
Cùng với chương trình ưu đãi trên, với mỗi giao dịch chi tiêu thành công, khách hàng còn được nhận một mã số quay thưởng mỗi tháng và cuối chương trình để có cơ hội may mắn trúng hàng ngàn giải thưởng tặng ngay hoặc tích lũy điểm với tổng giá trị giải thưởng lên đến vài tỷ đồng.
Không chỉ vậy, để thôi thúc khách hàng sử dụng dịch vụ, nhiều ngân hàng cho biết với các khách hàng mở mới thẻ Debit quốc tế và thẻ tín dụng mới sẽ được hoàn tiền lên tới 100% giá trị nộp vào tài khoản hoặc chi tiêu thẻ tín dụng lần đầu tiên…
Ở góc độ kinh doanh, đây luôn là chiến lược đúng đắn của cácngân hàng lẫn công ty tài chính, thế nhưng, xét ở mặt kinh tế, điều này không phù hợp với tất cả mọi đối tượng, nhất là trong bối cảnh “chi vượt thu” không biết kiểm soát ở một số người trẻ trong nước. Điều này dấy lên một hồi chuông cảnh báo rằng: thẻ tín dụng, dù rất ưu đãi nhưng không phải ai cũng nên nhận.
Nhớ cách đây không lâu, trên một phương tiện truyền thông có đăng tải một bài viết khá sâu sắc với cái tên “Trả nợ được 10 ngàn USD với kế hoạch 365 ngày không mua sắm”. Đây là câu chuyện có thật của Andrel Harris (35 tuổi, Bắc Carolina). Với Andrel, ngay ở tuổi 23, cô đã kiếm được nhiều tiền hơn các bạn đồng trang lứa, dù không có bằng đại học. Công ty Andrel làm việc có dịch vụ làm thẻ tín dụng cho nhân viên.
Nhưng trong khi bạn bè và gia đình đều khuyến khích cô làm một chiếc, Andrel vẫn từ chối. Đến tuổi 25, Andrel cuối cùng cũng làm thẻ. Cô chỉ dùng nó cho các khoản chi nhỏ, trả hết đúng hạn mỗi tháng để tăng điểm tín dụng. Trong một thời gian dài, mọi việc đều rất suôn sẻ. Nhưng đến năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Andrel ngập trong nợ. Trong lúc cô còn nợ tiền vay thì công ty sa thải nhân sự, trong đó có cô. Dù sau đó cô đã có việc mới. Nhưng vì thu nhập chỉ còn một nửa, cô đã phải dựa vào thẻ tín dụng để sống qua ngày.
Trong suốt quá trình sau đó, Andrel đã sống dựa vào thẻ tín dụng, số nợ thẻ lên tới gần 10 ngàn USD và từ lúc xài thẻ cho tới lúc này, chẳng ai khuyên cô nên có một quỹ dự phòng. Để thoát khỏi nợ thẻ, bên cạnh những giải pháp cần thiết, Andrel xác định phải ngừng mua sắm trả góp qua thẻ là điều quan trọng nhất.
"Vì tôi rất thích shopping nên quy tắc là không mua sắm gì cả. Không quần áo, giày dép hay phụ kiện các loại. Tôi cũng hủy tất cả kế hoạch nghỉ mát và ăn ngoài trong thời điểm này. Tôi ngừng mua sắm từ ngày 17/8/2013 và thoát nợ ngày 8/8/2014", Andrel đã kể lại như vậy.
Thực tế, câu chuyện của Andrel không chỉ là một bài học hay trong việc sử dụng thẻ tín dụng mà đang là bài học rất phù hợp với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam lúc này. Như đã nói ở trên, khi bên cung cấp dịch vụ thẻ luôn gây ồn ào và náo nhiệt với các ưu đãi, quà tặng, giảm giá… thì bên sử dụng dịch vụ cũng vì thế phát triển tương ứng.
Qua khảo sát những người có độ tuổi từ 23-35, ít có ai không sở hữu thẻ NH, thậm chí là một người có rất nhiều thẻ. Không như trước đây, mở thẻ cho có, ngày nay, nhiều bạn trẻ trong nước tiếp cận rất nhanh với xu hướng tiêu dùng hiện đại “mua trước trả sau” của các tổ chức tín dụng.
Về lý thuyết, đây là một tiến trình tích cực cho cả bên bán và bên sử dụng dịch vụ. Song, thực tế, có rất nhiều rủi ro sẽ xảy ra đối với những người không có kinh nghiệm. Trở lại với câu chuyện của Andrel, từ việc không dùng thẻ tín dụng vì sợ, rồi ngập trong nợ và bị sa thải năm 2008, Andrel đã mắc rất nhiều sai lầm tài chính và thoát ra thành công. Giờ cô không còn nợ nần, nhưng cô vẫn thừa nhận rằng mình còn thiếu nhiều kỹ năng tài chính quá. Có những thứ ở trường chẳng dạy bao giờ…
Theo đó, với những người trẻ hiện đại, giới chuyên môn khuyên rằng trong mê trận khuyến mãi dùng thẻ “xài trước trả sau” mà các ngân hàng đang triển khai, nên có sự cân nhắc rõ giữa "nhu cầu" và "mong muốn". Còn đối với những người đã rơi vào trạng thái nợ, thì để thoát nợ, cần lập quỹ dự phòng và đầu tư nên đứng cao hơn trong danh sách ưu tiên so với việc mua những thứ để "thỏa mãn sở thích tạm thời".
Trường hợp với những bạn kiếm đủ tiền và không tiêu quá nhiều, bạn có quyền quyết định sẽ làm gì với số tiền dôi ra đó – có thể là đầu tư, đi nghỉ hoặc tham gia một lớp học… tất cả những gì bạn thích thay vì bắt buộc – thì lúc đó bạn chính là người thành công. Đó là bởi bạn không những thoát khỏi tình trạng không có một xu tiết kiệm mà còn có thể tận dụng số tiền dư ra để khiến mình trở nên thành công hơn…