Dừng tổ chức lễ hội, du khách vẫn nườm nượp

Theo Chu Khôi/thoibaokinhdoanh.vn

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã ký ban hành công văn yêu cầu dừng tổ chức lễ hội xuân 2020 tại các di tích trên địa bàn TP.Uông Bí, trong đó có lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng. Tuy nhiên, đến Yên Tử và chùa Ba Vàng thời gian này để quan sát, chúng tôi vẫn chứng kiến nườm nượp du khách thập phương hành hương du xuân.

Du khách vẫn đông đúc ở danh thắng Yên Tử.
Du khách vẫn đông đúc ở danh thắng Yên Tử.

Hàng năm, cứ sau kỳ nghỉ Tết là bước vào mùa lễ hội và hành hương du Xuân. Cả nước có hơn 7.000 lễ hội vào mùa Xuân, trong đó những lễ hội đặc biệt lớn kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân như: Yên Tử, quần thể chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc… mỗi nơi thu hút từ hàng chục vạn đến hàng triệu người tham gia mỗi năm.

Trên đỉnh Yên Tử.
Trên đỉnh Yên Tử.
 

Năm nay, trước tình hình diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) diễn ra ở Trung Quốc rất phức tạp, nước ta cũng đã xuất hiện một số ca bệnh này, nên Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Để kiểm soát dịch bệnh do virus corona gây ra, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký công văn số 391/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích đầu năm Canh Tý 2020. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này và trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 31/1/2020, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã ký ban hành công văn số 170/UBND-VHTT về việc dừng tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn TP.Uông Bí, trong đó có lễ hội Yên Tử và chùa Ba Vàng. Theo đó, thành phố sẽ dừng việc tổ chức các lễ hội; không tổ chức chương trình nghệ thuật, phần hội tại lễ hội mà chỉ thực hiện nghi thức tâm linh do nội bộ nhà chùa và ban quản lý di tích thực hiện, thời gian tổ chức ngắn gọn…

Được biết, trước đó theo kế hoạch năm 2020, từ ngày 1/2 đến ngày 7/2/2020 (tức từ mùng 8 đến 14 tháng Giêng) trên địa bàn thành phố Uông Bí sẽ diễn ra các lễ hội tại chùa Ba Vàng, Yên Tử, đình Đền Công với hàng ngàn lượt khách du xuân vãn cảnh. Lễ hội đầu năm tại chùa Ba Vàng và Yên Tử là những lễ hội lớn, hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm bái và lễ Phật.

Mặc dù Chính phủ, lãnh đạo nhiều địa phương đã có những chỉ đạo hạn chế các lễ hội và tập trung đông người, nhưng thời điểm này, đến các khu danh lam thắng tích để quan sát, chúng tôi vẫn chứng kiến nườm nượp du khách thập phương hành hương du xuân.

Tại Yên Tử (Quảng Ninh), ở khu vực quảng trường hàng năm diễn ra lễ khai hội Yên Tử hiện rất vắng lặng, lễ đài thực hiện một số trang trí từ trước Tết, nhưng thời điểm hiện tại công tác trang trí chưa triển khai thêm. Tuy vậy, ở hầu hết các khu vực khác trong khu vực Danh thắng quốc gia Yên Tử vẫn tấp nập khách thập phương du xuân bái Phật. Từ chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, khu vực các nhà ga cáp treo, tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử, khắp các con đường lên núi… đều khá đông đúc. 

Thời tiết năm nay sau những ngày mưa rét trong 3 ngày Tết, thì từ mồng 5 trở đi, miền Bắc nắng ráo, thời tiết ấm áp thuận lợi cho việc du Xuân. Theo quan sát của phóng viên, số lượng người dân đeo khẩu trang phòng dịch virus corona đi hội chiếm một phần rất nhỏ. Rất nhiều gia đình vẫn cho con nhỏ đi chùa. Nhiều thanh niên khi được hỏi, họ nói không quan tâm đến dịch vì dịch chưa thể tới đây. Các hoạt động bán vé tham quan, bán vé đi cáp treo hoạt động vận chuyển du khách của các xe điện, các ga cáp treo vẫn diễn ra bình thường.

Số lượng người dân đeo khẩu trang phòng dịch virus corona đi hội chiếm một phần rất nhỏ.
Số lượng người dân đeo khẩu trang phòng dịch virus corona đi hội chiếm một phần rất nhỏ.
 

Tại chùa Tam Chúc (ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), từ Tết đến nay, ngày nào cũng có hàng vạn người đổ về để chiêm bái, cầu lộc, cầu tài đầu năm mới Canh tý 2020. Chứng kiến cảnh tượng đường vào chùa Tam Chúc, xe máy, ô tô nối đuôi, chen chúc nhau kéo dài hàng km. Chính vì thế, hàng trăm CSGT được huy động nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự cho du khách đi lại. Dù chùa Tam Chúc đã bố trí tăng lên 300 xe điện vào dịp này, tuy nhiên không đáp đứng được nhu cầu đi lại do lượng người đồ về ngôi chùa quá tải. Nhiều người không mua được vé đành phải đi xe ôm hoặc chấp nhận đi bộ với quãng đường vài km mới đến được ngôi chùa này. 

Thượng tọa Thích Minh Quang - người trực tiếp trông coi, phụ trách chùa Tam Chúc thừa nhận tình trạng quá tải diễn ra khá căng thẳng mấy ngày đầu năm mới. Thượng tọa Thích Minh Quang cho hay, mấy ngày qua do thời tiết đẹp nên bà con du xuân lễ chùa ở Tam Chúc rất đông, mỗi ngày có 7-10 vạn người đến, có ngày cao điểm thì con số lên tới hơn 10 vạn người.

"Lượng khách đông đảo đổ về Tam Chúc nằm ngoài dự tính của nhà chùa và ban quản lý. Nhà chùa và ban quản lý đã chuẩn bị 350 xe điện, 100 xe ca to/ngày, chưa kể các thuyền chở khách, nhưng vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của khách hành hương. Chùa Tam Chúc đã thông báo quyết định dừng lễ khai hội xuân Canh Tý tại đây, lẽ ra lễ khai hội sẽ được tổ chức vào 5/2, tức 12 tháng Giêng âm lịch”, thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Nườm nượp du khách thập phương hành hương du xuân.
Nườm nượp du khách thập phương hành hương du xuân.
 

Theo chủ trương của Chính phủ, một số tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, việc thực thi chủ yếu là dừng tổ chức các lễ khai hội. Trong khi, ở các khu danh thắng lớn như Yên Tử, chùa Hương... hoạt động bán vé tham quan, bán vé cáp treo, hoạt động tiếp đón du khách, dịch vụ vận chuyển bằng xe điện và cáp treo vẫn diễn ra bình thường. Tại chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, các xe điện vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ du khách.

Trong khi đó, các chùa, điểm di tích cũng chưa triển khai các hoạt động tuyên truyền để cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hại của dịch viêm phổi cấp do virus corona và thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tụ tập nơi đông người, tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan y tế.

Chúng tôi (Phóng viên) băn khoăn rằng, dừng lễ hội, thì ngoài việc dừng tổ chức các lễ khai hội, thì có dừng bán vé và "đóng cổng" ngừng cho du khách tham quan thắng cảnh không? Bởi thực tế, nếu chỉ dừng tổ chức các lễ khai hội, trong khi các hoạt động tham quan hành hương vẫn vô cùng đông đúc, thì sẽ giảm đi hiệu quả của chủ trương “tránh tập trung đông người" để phòng tránh virus corona (nCoV).