Duy trì mục tiêu kép cho kinh tế năm 2013

(baodautu.vn)

Đạt mức tăng trưởng (GDP) 5,5% và kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống dưới 8% là hai mục tiêu mà nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải thực hiện được trong năm tới.

Duy trì mục tiêu kép cho kinh tế năm 2013
Phát triển KT-XH năm 2013 đặt trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô
“Chúng tôi ghi nhận quyết tâm của Chính phủ trong việc đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013”, đại biểu Cao Sỹ Kiêm chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư vào sáng 23/10 – một ngày trước khi Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại tổ đầu tiên về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Theo ông Kiêm, mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm tới chỉ cao hơn 0,3% so với mức tăng trưởng dự kiến của năm 2012 (5,2%), song đây vẫn là mục tiêu đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể còn kéo dài.

Trước đó, trong Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước. Do đó, mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Trên thực tế, tăng trưởng GDP là một trong 5 chỉ tiêu mà Chính phủ chưa đạt được so với Nghị quyết số 11/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 ban hành vào cuối năm 2011. Theo đó, với mục tiêu là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, GDP được ấn định là phải tăng 6 - 6,5%.

Đồng thuận với những nhận định trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% không chỉ góp phần giải quyết bài toán việc làm, an sinh xã hội, mà còn tạo động lực phát triển khả dĩ trong năm 2013 – năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cần tiếp tục kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức 7 - 8% vẫn là quá cao so với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp”, ông Kiên nhấn mạnh.

Liên quan tới nhiệm vụ cấp bách 3 tháng cuối năm 2012, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, ngay từ bây giờ, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung giải tỏa các “cục máu đông”: nợ xấu và tồn kho. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là lối thoát để quý IV đạt mức tăng 6,5%, góp chung vào mục tiêu tăng GDP cả năm 2012 là 5,2%.

Theo báo cáo của Chính phủ, tại thời điểm 1/9/2012, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước. Số lượng doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm tăng cao (40.190 doanh nghiệp, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011).

“Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sớm chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ” khi mà “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ khó khăn cho chính hệ thống tổ chức tín dụng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.