ECB với phiên bản QE đầy chông gai

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Phiên bản mới về một chương trình nới lỏng tiền tệ (QE) được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đưa ra hồi đầu tháng 9 đã được thị trường hoan hỉ đón nhận với hy vọng giải pháp này sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng và việc làm tại khu vực. Tuy nhiên, đây không phải nhiệm vụ dễ dàng với ECB khi tình thế rất có thể bị đảo ngược.

ECB với phiên bản QE đầy chông gai
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế bị chậm lại một phần do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, lòng tin của người tiêu dùng suy yếu và tỷ lệ lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu liên tục ở vùng nguy hiểm, thậm chí trong tháng 8/2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua là 0,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trung hạn của ECB là 2%.

Trước sức ép đó, ECB buộc phải hành động bất chấp sự phản đối từ Ngân hàng Trung ương Đức. ECB thông báo hạ lãi suất cho vay 0,1 điểm phần trăm xuống còn 0,05%, lãi suất tiền gửi qua đêm của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương xuống - 0,2% nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cho các tổ chức tài chính khác vay vốn dư thừa thay vì để tại ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, ECB cũng tuyên bố sẽ mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) và trái phiếu bảo lãnh do các ngân hàng trong Eurozone phát hành để bơm 1.000 tỷ euro vào nền kinh tế khu vực đang trì trệ. Chủ tịch ECB Mario Draghi không tiết lộ quy mô của chương trình mua tài sản nhưng cho biết, mục tiêu của ECB là mở rộng quy mô từ 2.000 tỷ euro hiện tại lên 2.700 tỷ.

Chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà ECB thực hiện có những khác biệt so với các chương trình QE truyền thống của các ngân hàng trung ương khác. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã mua chứng khoán với số lượng được thông báo trước theo một lịch trình định sẵn. Còn trong trường hợp của ECB, quá trình này được thúc đẩy bởi nguồn cung, có nghĩa là không thể biết ECB sẽ cung cấp bao nhiêu thanh khoản. Do đó, phiên bản mới của ECB sẽ bị hạn chế hơn, phức tạp và ít chắc chắn hơn so với QE truyền thống. Tuy nhiên, ECB có lý do khi phải chọn con đường phức tạp. Hệ thống ngân hàng châu  u vẫn bị phân mảng khiến các kênh thông thường thông qua đó để khơi dòng thanh khoản trở nên thiếu hiệu quả. Chương trình của ECB được thiết kế để cấp vốn cho các thiết chế cho vay, gián thiếp thông qua chứng khoán, do đó, bỏ qua các kênh không hoạt động. Ngoài ra, QE truyền thống liên quan đến việc mua một lượng lớn nợ công, điều này lại gây rất nhiều tranh cãi ở châu Âu.

Chương trình QE của ECB được kỳ vọng sẽ khuyến khích cho vay nhiều hơn. Việc ECB mua ABS sẽ đẩy giá lên và giảm lợi tức. Điều này ảnh hưởng tới một loạt các khoản nợ, vì làm giảm lợi tức trái phiếu rủi ro hoặc có chủ quyền của một số quốc gia xuống. Lợi ích mang lại là tín dụng cung cấp cho thị trường với lãi suất thấp hơn. Người ta tin rằng việc thực hiện QE theo cách của ECB sẽ khiến các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn. Với lợi tức thấp, các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến hiệu quả đầu tư thay vì tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường khác như chứng khoán, các khoản tín dụng rủi ro khác.

Chương trình của ECB cũng mang đến những kỳ vọng cho các nhà đầu tư, thậm chí cả các chuyên gia chính sách tiền tệ. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, các chuyên gia tin rằng, đây sẽ là tín hiệu để ECB thực hiện cam kết đưa lạm phát lên 2% và sẽ làm bất kỳ điều gì để đạt được mục tiêu này. Điều đó giúp trái phiếu của các nước đang gặp khó khăn ở châu Âu hồi phục.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhưng một số quốc gia thành viên cho rằng chương trình mua ABS có thể dẫn đến việc ECB ôm quá nhiều rủi ro tín dụng từ các ngân hàng. Đức và một số quốc gia bày tỏ lo ngại khi ECB mở rộng bảng cân đối tài chính của mình và mua trái phiếu của các nước có quy định tài chính lỏng lẻo, điều mà về cơ bản sẽ buộc Đức trở thành người mua một phần trong tổng số trái phiếu thông qua ECB. Bên cạnh đó, khi lợi ích kinh tế không chắc chắn so với chi phí tiềm năng, sẽ làm phát sinh các vấn đề lớn về chính trị.

Sau thông báo của ECB về chương trình QE phiên bản mới, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2013 so với đồng USD, trong khi đồng Franc Thụy Sỹ cũng tăng giá mạnh so với đồng euro. Một số nhà phân tích cho rằng đồng euro giảm cũng làm tăng nguy cơ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ buộc phải bảo vệ đồng franc nếu tăng lên mức trần so với đồng euro. Ngân hàng Trung ương Đan Mạch (không phải thành viên Eurozone) đã công bố giảm lãi suất cơ bản xuống mứác sàn. Các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ có biện pháp tương tự để ngăn chặn biến động tỷ giá. Nếu thực tế diễn ra như vậy, cuộc chiến tiền tệ có thể trở lại sau thời gian tạm lắng.

Như vậy, phiên bản QE mới của ECB được đánh giá là không chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều đang được mong đợi là đồng euro giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu, kích hoạt sự phục hồi kinh tế và sẽ khuyến khích vay vốn. Tuy nhiên, Eurozone đang ở gần ngưỡng giảm phát và suy thoái. Việc chỉ nới lỏng tiền tệ sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Nhiều chuyên gia cho rằng, cải cách cơ cấu để tăng năng lực cạnh tranh mới là liều thuốc chữa căn nguyên.