EU chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu

Hồ Hường (Diễn đàn Doanh nghiệp)

EU luôn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Trong vòng 11 năm từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 24,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 6 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 5,8 lần.

EU chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu - Ảnh 1
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường Châu Âu

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Kinh doanh tại thị trường châu Âu" do VCCI phối hợp Công ty Luật Đào & Đồng nghiệp diễn ra 18/9 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường Châu Âu.

Khu vực EU luôn chiếm tỷ trọng lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương cho biết, EU luôn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Trong vòng 11 năm từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam – EU đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 24,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 6 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 5,8 lần. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các nước thành viên EU đã có gần 50 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký cấp mới trên 160 triệu USD.

Những năm qua, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU vẫn là những mặt hàng truyền thống như: giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ EU là máy móc thiết bị phụ tùng, dược phẩm, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm hóa chất ...

Ông Thương cho biết thêm:“Nhìn chung, các nhà đầu tư Châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ)”.

Tuy nhiên việc đầu tư Việt Nam sang EU là chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, CH Séc, Đức. Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam có 10 dự án còn hiệu lực đầu tư sang CHLB Đức với tổng vốn đăng ký là 24,2 triệu USD, Hà Lan có 1 dự án tổng vốn đăng ký 5,6 triệu USD, Ba Lan có 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 8,1 triệu USD, Vương quốc Anh có 6 dự án tổng vốn đăng ký 2,1 triệu USD, CH Séc có dự án với mức tổng vốn đăng ký là 5,3 triệu USD.

Tác động từ FTA

Cũng theo ông Thương, thời gian qua, Việt Nam và EU đã ký rất nhiều văn kiện pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh tế, thương mại. Gần đây nhất, Việt Nam và EU đã đàm phán xong và ký tắt Hiệp định Đối tác và Hợp tác vào tháng 10/2010, ký chính thức vào tháng 6/2012. Hiệp định này khẳng định các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Việt Nam - EU, xác định khuôn khổ hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước EU, trong đó có Hà Lan. Hiệp định được cho sẽ góp phần đưa quan hệ Việt Nam - EU lên một tầm cao mới.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và EU đang thúc đẩy quá trình đàm phán FTA song phương. Hai bên đã thống nhất nội dung của Tài liệu tham chiếu TOR và tuyên bố chính thức khởi động Hiệp định Thương mại tự do song phương FTA vào tháng 6/2012. FTA song phương Việt Nam - EU sẽ đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho cả EU và Việt Nam.

Về thương mại, thực tế hiện nay chỉ 42% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% (kể cả các mặt hàng thuộc Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP). Tỷ lệ này của Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin hiện là 80-85%. Nếu có FTA song phương, tỷ lệ hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% của EU nhiều khả năng sẽ tăng lên ít nhất thành 90% (tức là tăng hơn hai lần so với mức hiện hành).

Về đầu tư, việc thiết lập FTA với EU chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Theo chiều ngược lại, FTA cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU.

Bên cạnh đó, FTA Việt Nam - EU sẽ góp phần rút ngắn thời gian để Việt Nam đạt được sự công nhận của EU về nền kinh tế thị trường. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn phải chịu sự phân biệt đối xử trong các vụ kiện chống bán phá giá của phía EU.

Tuy nhiên, theo ông Thương, Hiệp định FTA cũng có thể gây ra một số tác động mang tính thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam như: sức ép cạnh tranh từ phía hàng nhập khẩu từ EU có thể tăng, đe dọa tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nước; một FTA thế hệ mới có thể sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới như phát triển bền vững, mua sắm chính phủ... cho phía Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam và EU hợp tác chặt chẽ, tích cực hỗ trợ nhau hơn nữa.

Cùng với việc ký chính thức Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA), việc đàm phán thành công FTA với EU sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, trong đó có Hà Lan, giai đoạn tới là rất to lớn.