EU xem xét dỡ trừng phạt, làm hòa với Nga?

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Liên minh châu Âu (EU) có thể nới lỏng đáng kể lệnh trừng phạt và nối lại các cuộc đàm phán với Nga nếu Moscow tìm cách chấm dứt khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, WSJ đưa tin.

EU xem xét dỡ trừng phạt, làm hòa với Nga?
Các nhà lãnh đạo EU và Nga trong cuộc gặp lần thứ 10 tại Milan năm 2014. Nguồn: internet

Theo tờ Tạp chí phố Wall (WSJ), Liên minh châu Âu (EU) có thể nới lỏng đáng kể lệnh trừng phạt và nối lại các cuộc đàm phán với Nga về các vấn đề từ miễn thị thực, hợp tác Liên minh kinh tế Á – Âu đến khủng hoảng ở Libya, Syria, Iraq, … nếu Nga tìm cách chấm dứt khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, theo những tài liệu về cuộc họp của EU cho biết.

Mặc dù quan hệ EU-Nga chưa thể trở lại để "kinh doanh như bình thường" nhưng EU có thể cân nhắc bình thường hóa dần dần quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau với Nga.

Sự thay đổi này phụ thuộc vào việc Nga có tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hòa bình đã ký kết với Ukraine hồi tháng 9/2014 tại Minsk (Belarus) cũng như thỏa thuận về cung cấp khí đốt cho Ukraine, không cản trở hiệp định hợp tác thương mại, chính trị EU-Ukraine.

Tài liệu trên được soạn thảo bởi cơ quan đối ngoại của EU trước thềm cuộc họp ngoại trưởng của khối tại Brussels diễn ra vào thứ Hai tuần tới.

Tuy tài liệu này chỉ vạch ra những điểm cần thảo luận, nhưng đây được coi là nỗ lực khá lớn của giới chức EU khi cân nhắc giảm căng thẳng với Nga. Đây cũng là minh chứng cho thấy EU cho rằng đã đến lúc cần đối thoại thay vì đối đầu hơn nữa.

Quan hệ EU - Nga trở nên căng thẳng hơn kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra từ đầu năm 2014. Đặc biệt là sau khi Moscow sáp nhập Crimea, EU đã đứt liên lạc với Nga về một loạt các vấn đề thương mại, năng lượng và an ninh.

EU và Mỹ cáo buộc Nga hỗ trợ và cung cấp cho lực lượng quân đội ở miền Đông Ukraine và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt vào Moscow.

Tuy nhiên với một số dấu hiệu gần đây cho thấy tình hình ở miền đông Ukraine có thể ổn định, hoặc ít nhất là không xấu đi, một tín hiệu tốt để tìm cách thoát ra khỏi sự bế tắc.

Sau khi nhậm chức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane , Australia. Phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã nói rằng cô sẽ đến thăm Moscow vào đầu năm 2015 và khẳng định các cuộc đối thoại phải được duy trì.