Facebook thêm công cụ chống tin giả mạo
Với những công cụ mới được Facebook thiết lập, người dùng có thể dễ dàng báo cáo về những thông tin sai sự thật để tránh bị lan truyền trên mạng.
Theo trang mạng DW, hôm 15/12, mạng truyền thông xã hội Facebook vừa công bố thiết lập những công cụ mới để chống lại tin tức giả mạo xuất hiện trên Dòng sự kiện (News Feed).
Facebook sẽ thiết kế giao diện có thêm một nút ấn báo cáo “Tin giả” trên góc phải bài viết có dấu hiệu nghi vấn, sau đó yêu cầu các tập đoàn truyền thông lớn kiểm tra, đánh giá mức độ chính xác của bài viết.
Cụ thể, nếu người dùng có báo cáo về tin tức sai sự thật, Facebook sẽ chuyển tin đó cho các tổ chức thẩm định trong Hệ thống thẩm định sự thật quốc tế thuộc Viện Poynter. Nếu các tin tức đó không được những người kiểm tra độc lập chấp nhận về độ trung thực sẽ bị dán nhãn là “đang tranh cãi” và xuất hiện ở dưới trang Newsfeed.
Bài viết cũng được thẩm định bởi rất nhiều người sử dụng Facebook. Sau khi có kết quả thẩm định, mạng xã hội này sẽ yêu cầu người sử dụng không chia sẻ nội dung bài viết được đánh giá là thông tin “dỏm”.
Ngoài ra, Facebook đang làm việc với ABC News, AP, Factcheck.org, Politifact và Snopes để xác định những thông tin chưa đúng sự thật. Công ty này cũng cho biết danh sách các cơ quan truyền thông mà nó sẽ hợp tác để phát hiện các câu chuyện giả mạo sẽ còn được mở rộng hơn nữa.
Facebook đã bị chỉ trích mạnh vì đã không ngăn chặn được nhiều tin tức giả mạo. Đặc biệt, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công luận rộ lên chuyện mạng xã hội này đã góp phần trong việc phát tán tin sai sự thực, có lợi cho các ứng cử viên. Một số nhà phê bình cho rằng nhều bài báo sai sự thật đã góp phần giúp ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, 64% người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, tin tức giả mạo gây ra nhầm lẫn về các sự thật căn bản trong các sự kiện lớn đang xảy ra.
Mặc dù đa số người Mỹ tham gia điều tra nói rằng, tin tức giả mạo khiến thông tin bị hỗn loạn, song họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết sự thật của mình. Có 39% người được hỏi cho biết “rất tự tin” với việc nhận biết các thông tin không đúng sự thật, trong khi 45% nói rằng “có chút tự tin”.
14% số người được hỏi nói rằng họ đã từng chia sẻ một thông tin mà họ biết là tin giả, trong khi 16% người được hỏi nói rằng họ từng chia sẻ một bài báo mà sau đó mới nhận ra đó là thông tin không đúng sự thật.