FDI độc chiến
(Tài chính) Năm ngoái Samsung Electronics Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần 23 tỉ USD, giúp ngành linh kiện và điện thoại chiếm vị trí dẫn đầu trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn chiếm tỉ trọng cao hơn khu vực kinh tế trong nước, đạt khoảng 67% vào năm 2013, theo Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh việc chiếm tỉ trọng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh cũng là điểm mạnh của khối doanh nghiệp FDI. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối này luôn cao hơn hẳn khối doanh nghiệp nội địa. Theo Tổng cục Thống kê, năm ngoái tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI lên đến 22,4% so với chỉ 3,5% của doanh nghiệp trong nước.
Những điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp trong nước đang đóng vai trò khá mờ nhạt trong xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khối này lại rất mạnh. Việt Nam có thặng dư thương mại hàng hóa trong 2 năm rồi là nhờ FDI xuất siêu lớn, bù đắp cho phần nhập siêu của doanh nghiệp trong nước.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp FDI còn góp phần nhiều nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2005-2012, khu vực ngoài nhà nước chiếm bình quân 36,2% giá trị sản xuất công nghiệp, trong khi khu vực FDI chiếm 44,2%, còn lại là khu vực nhà nước.
Ngược lại với sự sáng sủa của khối FDI là gam màu ảm đạm của khối doanh nghiệp trong nước. Chỉ trong năm 2013, số lượng doanh nghiệp trong nước ngừng hoạt động đã tăng 15 lần so với giai đoạn 2008-2009, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi thu hút FDI, Việt Nam không chỉ kỳ vọng vốn đầu tư tăng lên, hay nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vào khu vực này, mà còn mong muốn khối FDI sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế trong nước qua việc chuyển giao công nghệ hiện đại và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo sau các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel là hàng loạt doanh nghiệp vệ tinh có vốn đầu tư nước ngoài khác, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu của họ. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại chưa thể tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu vì năng lực cạnh tranh yếu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI lớn không có động lực phát triển mối liên kết sản xuất với doanh nghiệp nội địa.
Tính đến giữa năm 2013, có 55 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Khu Công nghiệp Yên Phong ở Bắc Ninh cung cấp thiết bị và linh kiện sản xuất cho Samsung. Chỉ có 5 doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng này, nhưng họ chỉ tham gia được những khâu đơn giản và có giá trị gia tăng thấp như đóng gói sản phẩm, in ấn, bao bì.
Vì sao lại như vậy? Có một lý do quan trọng là nhiều doanh nghiệp nội địa không có động cơ “nâng cấp” hoạt động kinh doanh khi xem xét sự đánh đổi giữa chi phí đầu tư và lợi ích thu được.
Đại diện một doanh nghiệp ở Bắc Ninh (không muốn nêu tên) cho biết hiện nay công ty ông chỉ cung ứng cho Samsung những phần liên quan đến đóng gói, bao bì chứ chưa phát triển theo hướng cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc này. Theo vị này, họ không dám chắc là khi bỏ tiền ra đầu tư công nghệ, nhân lực thì linh kiện làm ra sẽ đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Chính vì không chắc chắn về lợi ích thu được trong khi chi phí đầu tư quá lớn nên doanh nghiệp này chọn hướng đầu tư an toàn, dù giá trị gia tăng từ đóng gói, bao bì chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị xuất khẩu của Samsung.
Nhìn vào thực trạng trên, một câu hỏi đặt ra là đâu mới cách tốt nhất để phát huy sức mạnh kinh tế trong nước nhờ vào khối FDI.
Hiện tại, có 2 quan điểm gần như đối lập trong vấn đề thu hút vốn FDI. Thứ nhất là thu hút những doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ. Nhờ vậy, doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với đối tác nước ngoài. Đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thứ hai là chào đón các công ty toàn cầu bằng mọi giá. Sự xuất hiện của những doanh nghiệp FDI lớn mang lại lợi ích trước mắt: nhanh chóng tạo ra tăng trưởng cho địa phương. Đây là cách làm mà nhiều địa phương đang áp dụng. Cách làm này dù mang lại một số lợi ích cho địa phương như việc làm, nguồn thu thuế nhưng vẫn chưa tạo được động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Đã vậy, khu vực tư nhân lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo Phó Giám đốc một chi nhánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (không muốn nêu tên), chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa rõ ràng, sự hỗ trợ và tạo dựng môi trường cho doanh nghiệp phát triển còn chậm. Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2013 cho thấy các địa phương vẫn chú trọng và ưu đãi doanh nghiệp FDI nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc doanh nghiệp FDI đang là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là chuyện không có gì khó hiểu.