FDI năm 2014 sẽ không giảm so với năm ngoái
(Tài chính) Trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh lạc quan nhận xét như vậy trước thực tế thu hút FDI quý I/2014 chỉ bằng nửa so với cùng kỳ.
FDI năm 2014 sẽ không giảm
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2014 chỉ đạt 3,3 tỷ USD, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2013 đặt ra lo ngại thu hút FDI của năm nay khó đạt mục tiêu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, việc so sánh theo quý không phản ánh được bản chất của vấn đề. Bộ trưởng lý giải, trong quý I/2013, chúng ta có 2 dự án lớn là dự án Samsung Thái Nguyên (2 tỷ USD) và dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa (2,8 tỷ USD), do đó, hai dự án này làm cho mức đầu tư FDI quý I/2013 tăng đột biến.
Nhưng để ký thực hiện 2 dự án đó trong năm 2013, nhà đầu tư cũng đã phải đàm phán từ nhiều năm trước đó. Còn trong quý I/2014, không có những dự án lớn nào kiểu như vậy. Điều đó cũng không có nghĩa tình hình thu hút FDI trong năm nay sẽ giảm mạnh so với năm 2013. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong năm 2014, dự báo tổng mức đầu tư FDI không giảm so với năm 2013. Một số dự án lớn hiện đang đàm phán để có thể ký kết trong năm nay.
Trả lời câu hỏi về việc thu hút FDI chưa đạt mục tiêu về chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận điều này khi trong báo cáo tổng kết 20 năm thu hút FDI do Bộ thực hiện cũng nêu ra chỉ có khoảng 5% dự án thực hiện việc chuyển giao công nghệ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI hầu hết ở dạng đầu tư 100% vốn của nước ngoài, nên nhu cầu và điều kiện chuyển giao trực tiếp công nghệ cho đối tác liên doanh là ít.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng không nên bi quan về vấn đề đó. Bởi, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, họ có tác động gián tiếp một cách mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc ngành nghề Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng cạnh tranh. Đây cũng là tác động rất mạnh tới chuyển giao công nghệ.
Khung khổ pháp lý đang ngày càng hoàn thiện
Các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại vấn đề pháp lý đang gây tác động tiêu cực tới việc đầu tư vào Việt Nam, điển hình là việc mua bán, sáp nhập, hợp tác công- tư. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Đây là điều dễ hiểu bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cho nên hệ thống luật pháp đang từng bước được hoàn thiện dần.
Trong vấn đề mua bán, sáp nhập (M&A), các khung khổ pháp lý hiện đã có rải rác ở những văn bản pháp luật khác nhau, chưa có văn bản hoàn chỉnh riêng về lĩnh vực này. Trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Đầu tư, dự kiến chúng ta sẽ đưa một mục, chuyên về vấn đề M&A. Đây là vấn đề nóng hổi trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế.
Về đối tác công- tư (PPP), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Trong năm nay, Nghị định về PPP sẽ được ban hành và được các nhà tài trợ quốc tế hiện nay đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo rất nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các tập đoàn lớn của quốc tế có kinh nghiệm khi xây dựng nghị định này.
Doanh nghiệp trong nước sẽ được quan tâm hơn
Không thể nói là doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi đầu tư rất nhiều, còn doanh nghiệp trong nước thì không, mà hai bên đều có những khó khăn và thuận lợi riêng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra nhận xét như vậy trước ý kiến cho rằng, Việt Nam đang dành rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ thủ tục hành chính, thuế, đất đai, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với “hàng núi” thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi lại rất không rõ ràng.
Nhưng nói một cách công bằng, thời gian vừa qua, chúng ta trọng tâm và chú ý nhiều vào mảng doanh nghiệp FDI. Bởi vì họ có vai trò riêng, trong lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, về khoa học công nghệ. Không chỉ có Việt Nam, mà tất cả các quốc gia khác, kể các quốc gia phát triển đều phải thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, đầy đủ đối với khối doanh nghiệp trong nước, thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ không phát triển được và bị lệ thuộc. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận xét, trong thời gian tới, một trong những động lực để đất nước phát triển là phải quan tâm đến khối doanh nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đang tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động, cổ phần hóa mạnh mẽ, và quan trọng là phải nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với khối doanh nghiệp tư nhân, đây là lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất, quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, do vậy sẽ cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa 2 luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thì tất cả những ngành nghề luật pháp không cấm, người dân và doanh nghiệp đều được tham gia. Trước đó, chúng ta đã từng nói rất nhiều về điều này và gần đây nhất trong Hiến pháp sửa đổi, chúng ta lại một lần nữa khẳng định quan điểm này. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, lần này phải biến quan điểm nói trên trở thành hiện thực.
Cụ thể, trong Luật Doanh nghiệp, giấy phép của doanh nghiệp không phải đăng ký các lĩnh vực đầu tư; trong Luật Đầu tư sẽ dỡ bỏ toàn bộ không cần cấp phép cho đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như cho lĩnh vực đầu tư. Rất nhiều giấy cấp phép sẽ được xóa bỏ. Chúng ta chỉ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp thực hiện theo pháp luật. Tư tưởng xuyên suốt là chúng ta sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực, đảm bảo tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.