Fed có Chủ tịch mới
(Tài chính) Với 56 phiếu thuận và 26 phiếu chống tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện ngày 6/1, bà Janet Yellen - Phó Chủ tịch đương nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đã chính thức được phê chuẩn làm Chủ tịch Cơ quan này.
Bà trở thành Phó Chủ tịch của Fed từ năm 2010 và được Tổng thống Barack Obama đề cử vào cương vị Chủ tịch Fed từ ngày 9/10/2013. Cuộc bỏ phiếu ngày 6/1 là thủ tục cuối cùng mà bà Yellen, 67 tuổi, phải đối mặt trước khi nhậm chức thay ông Ben Bernanke từ ngày 1/2 tới.
Trên cương vị Chủ tịch Fed, bà Yellen được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ mà người tiền nhiệm, ông Bernanke, đã theo đuổi 8 năm qua.
Trước mắt, bà Yellen sẽ phải có những quyết định liên quan tới gói cứu trợ thứ ba (QE3) mà theo đó, từ tháng 1/2014, mỗi tháng Fed sẽ chấp thuận chi 75 tỷ USD thay vì 85 tỷ USD như trước đây để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất ở mức thấp để khuyến khích đầu tư và các khoản vay. Bà Yellen cũng phải có những quyết định liên quan tới tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0 mà Fed đã và đang theo đuổi từ tháng 12/2009.
Trước khi được đề cử làm Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen từng tuyên bố sẽ không phá vỡ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đẩy lùi tình trạng thất nghiệp tại Mỹ hiện ở mức 7%.
Bà Yellen nhận trọng trách mới trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khả quan nhưng có nhiều thách thức đối với Fed với vai trò là trung tâm điều hành nền kinh tế. Vấn đề ở chỗ vào tháng 12/2013, khi tuyên bố khởi động kế hoạch cắt giảm QE, Chủ tịch Ben Bernanke đã nhấn mạnh nếu tình hình kinh tế thay đổi, có thể sẽ tạm dừng việc cắt giảm QE. Điều này dự báo người kế nhiệm ông Bernanke, bà Janet Yellen, có thể sẽ phải giảm tốc độ cắt giảm QE nếu lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện điều chỉnh lớn nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ, giảm tác động của việc cắt giảm QE đối với tiến trình phục hồi kinh tế, bảo vệ cho sự phục hồi kinh tế.
Trong 5 năm qua, ông Bernanke đã ba lần thực hiện QE nhằm thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế Mỹ nhưng chỉ có một lượng tiền hữu hạn chảy vào nền kinh tế thực thể của nước này. Dẫu vậy, ông Bernanke vẫn tăng tốc độ in tiền, mục đích không ngoài việc gây áp lực giảm lãi suất trái phiếu Mỹ, từ đó làm giảm lãi suất cho vay các loại, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư, người dân đẩy mạnh tiêu dùng.
Dòng tiền bơm ra cũng giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, tạo hiệu ứng giàu có, hỗ trợ tốt hơn cho nhân tố trụ cột của kinh tế Mỹ là tiêu dùng vốn chiếm 70% GDP. Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là sự phồn vinh trên thị trường chứng khoán sẽ tăng niềm tin vào viễn cảnh tương lai, gieo mầm phục hồi cho kinh tế nước này.
Lúc Fed đẩy mạnh cắt giảm QE sẽ khiến lãi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, gây áp lực đối với thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đã tăng lên 3% đạt được vào hồi tháng 5 từ mức thấp nhất của năm 2013 là 1,6%, trong tương lai có khả năng trở về mức 4% của thời kỳ trước khi thực hiện QE.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh trong những phiên đầu năm 2014 phần nào đã phản ánh nỗi lo lắng về việc nếu Mỹ tăng quy mô cắt giảm QE thì lãi suất trái phiếu sẽ tiếp tục đi lên làm gia tăng lãi suất cho vay khiến giá thành vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng, lợi nhuận giảm và giáng đòn mạnh vào mong muốn đầu tư và tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tăng cũng sẽ tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản và mong muốn tiêu dùng của người dân vừa ấm trở lại, không có lợi cho sự phục hồi kinh tế.
Có lẽ vì vậy, ông Bernanke đã nói rằng cắt giảm quy mô QE không có nghĩa là kết thúc QE nhằm mục đích bảo vệ thị trường trái phiếu, bảo vệ thị trường chứng khoán và tiếp tục hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế.
Tại sao việc ai là Chủ tịch FED cũng được quan tâm nhiều đến thế? Câu trả lời đó chính là người nắm trong tay vận mệnh đồng USD - đồng tiền có khả năng ảnh hưởng đến bất cứ nhà đầu tư, bất cứ người nào, thậm chí đó không phải là công dân Mỹ.