Fitch hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc và Eurozone
Yếu tố quan trọng nhất tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới là chính sách thương mại.
Nhiều yếu tố gây gián đoạn do chính sách thương mại, trong đó phải kể đến việc gần đây chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang cũng như rủi ro Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không có thỏa thuận đang khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn, theo khẳng định của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Fitch đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu trong vòng 18 tháng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 và năm 2020 được điều chỉnh giảm sâu xuống mức lần lượt đạt 6,1% và 5,7% từ mức 6,2% và 6,0% trước đó trong báo cáo công bố vào tháng 6/2019.
Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu ước tính ở mức 1,1% trong cả năm 2019 và 2020 so với mức 1,2% vào năm 2019 và 1,3% vào năm 2020 theo tính toán trước đây.
Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,3% trong năm 2019 và 1,7% trong năm 2020 từ mức 2,4% và 1,8% theo dự báo trước đó công bố vào tháng 6/2019. Triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu được ước tính sẽ giảm đi trong trường hợp Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, rủi ro này đã tăng lên trong mùa hè vừa qua.
Triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong 12 tháng qua chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có động thái hạn chế bớt tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc trước đây, thanh khoản đôla thắt chặt cho đến năm 2018 cũng như nhiều thách thức bùng phát tại nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn. Yếu tố quan trọng nhất tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới là chính sách thương mại.
Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại tác động lên kinh tế toàn cầu đang trở nên ngày một rõ ràng hơn và trở thành nguyên nhân đằng sau nhiều sự thất vọng về tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 2019 thấp hơn kỳ vọng của giới chuyên gia. Kinh tế Đức có độ mở cao, thặng dư tài khoản vãng lai lớn khiến cho tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu, trong đó phải xét đến tác động với ngành ô tô khi mà doanh số bán xe không ngừng giảm.
Triển vọng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng chịu rủi ro từ kịch bản Anh rời khỏi EU không có thỏa thuận, kịch bản này có thể đẩy kinh tế Anh vào suy thoái từ năm 2020. GDP của Anh có thể giảm khoảng 1,4% trong năm tới, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung có thể thấp hơn 0,4% so với tính toán ban đầu.