G7 cân nhắc áp giá trần dầu mỏ nhập khẩu từ Nga


Ngày 23/11, một nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận việc áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu vận chuyển qua đường biển từ Nga ở mức từ 65-70 USD thùng.

G7 cân nhắc áp giá trần dầu mỏ nhập khẩu từ Nga ở mức từ 65-70 USD/thùng. Ảnh: Reuters
G7 cân nhắc áp giá trần dầu mỏ nhập khẩu từ Nga ở mức từ 65-70 USD/thùng. Ảnh: Reuters

Đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU đang xem xét đề xuất của G7 nhằm đạt được sự đồng thuận về vấn đề trên, tuy nhiên nhiều nước EU hiện vẫn đang bất đồng quan điểm.

Nhóm G7 trong đó có Mỹ, cùng tất cả các nước EU và Australia dự kiến sẽ thực thi kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga từ ngày 5/12 tới. Đây được xem như một phần trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine.

Mục đích của việc áp cơ chế áp trần giá “chưa từng có” này nhằm giảm nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Nga tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này, trong khi vẫn duy trì dòng dầu của Nga ra thị trường toàn cầu để ngăn giá cả tăng đột biến. Tuy nhiên, việc áp trần giá ở mức nào là một vấn đề gây tranh cãi kịch liệt kể từ khi kế hoạch được khởi xướng.

Nhà ngoại giao EU cho biết: “G7 rõ ràng đang xem xét mức trần giá 65-70 USD/thùng”.

“Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng mức giá đề xuất từ 65-70 USD/thùng vẫn là quá cao và muốn giảm xuống bằng mức chi phí sản xuất, trong khi Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá này quá thấp”, nhà ngoại giao EU cho hay.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cho biết hầu hết các nước còn lại trong EU, trong đó có Pháp và Đức, hai quốc gia thành viên G7, đều ủng hộ áp dụng mức giá trần trên nhưng quan ngại về khả năng thực thi của đề xuất. Chỉ có Ba Lan và Hungary hoàn toàn phản đối việc áp giá trần dầu mỏ của Nga. 

Khoảng 70%  -85% khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu. Kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là nhằm ngăn chặn các công ty vận tải và công ty tái bảo hiểm vận chuyển dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi mặt hàng này được bán với giá không cao hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra.

Do các công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới đều có trụ sở ở các quốc gia thành viên G7, nên việc áp giá trần có thể khiến Nga khó có thể bán dầu mỏ với giá cao hơn. Hiện dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Nga, đáp ứng khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Đồng thời, chi phí sản xuất ước tính vào khoảng 20 USD/thùng nên mức giá trần này vẫn giúp Nga có lãi khi bán dầu của mình và theo cách này có thể giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Nhà ngoại giao EU cho biết, các quốc gia EU có ngành vận tải biển lớn như Hy Lạp, Cộng hoà Síp và Malta đã đưa ra các vấn đề kỹ thuật mà các công ty nước này có thể gặp phải. Cộng hoà Síp cũng muốn bồi thường cho các tàu của họ đã chuyển đăng ký ra bên ngoài khối để tránh thiệt hại kinh doanh do giá trần gây ra, nhưng yêu cầu sẽ không được thực hiện vì các nước EU khác chưa được bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt.

Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 23/11 và tiếp tục chuỗi giao dịch không ổn định sau khi G7 xem xét việc áp mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Tại phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 giảm 2,95 USD (tương đương 3,3%) xuống 85,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng mất 3,01 USD (tương đương 3,7%) xuống 77,94 USD/thùng./.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn