Gánh nặng CPI quý I

Theo Đầu tư Chứng khoán

Có nhiều lý do để quan ngại khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2013 tăng tới 1,25% so với tháng 12/2012. Điều này bắt đầu làm lộ diện thách thức cho mục tiêu kiềm chế CPI từ 6 - 6,5% trong năm nay như Chính phủ đề ra.

Gánh nặng CPI quý I
CPI tháng 1/2013 tăng tới 1,25% so với tháng 12/2012 tạo nên thách thức cho mục tiêu kiềm chế CPI từ 6 - 6,5% năm nay

Nhiều quan ngại

CPI tháng 1/2013 đã tăng tới 1,25 so với tháng 12/2012. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 nguyên nhân chính đóng góp vào biến động CPI trong tháng. Ngoài lý do chính là 10 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế; thì nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, nhu cầu mua sắm tăng và tâm lý tăng giá hàng trong dịp Tết… đang là những yếu tố tác động tiêu cực đến CPI.

Theo đánh giá của Chính phủ, tuy CPI tháng 1/2013 tăng ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trước, nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế hiện tại, thì diễn biến CPI tháng 1/2013 đã phát đi nhiều tín hiệu cho thấy, nguy cơ CPI tăng cao trở lại nếu “lỏng tay” trong kiềm chế lạm phát.

Nếu đặt mức CPI tháng 1/2013 trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, hoạt động của DN chưa phục hồi, tồn kho vẫn còn cao, thì rõ ràng CPI đang có diễn biến đáng lo ngại. Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2013 giảm 3,2% so với tháng 12/2012. Trong tháng 1/2013, số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động lên tới 4.278 DN, tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng tồn kho của ngành hàng thiết bị truyền thông tăng tới 374%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất dây cáp điện các loại tăng 34,1% so với tháng trước.

Đáng ngại hơn, nếu trong tháng 1/2013 liên bộ Tài chính - Công thương không 2 lần cho phép các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được trích quỹ bình ổn giá, để không tăng giá xăng, dầu các loại thì mức tăng này có thể còn cao hơn. Tết Nguyên đán trùng với tháng 2 nên tiềm ẩn nhiều yếu tố làm CPI có nguy cơ tăng cao hơn tháng 1. Nếu việc kiềm chế lạm phát không được triển khai hiệu quả, thì CPI sau hai tháng đầu năm rất có thể ngấp nghé tỷ lệ 50% “quota” CPI của cả năm nay.

Sắp tới, còn khá nhiều yếu tố tiềm ẩn khiến CPI có thể tăng cao. Đó là các tỉnh, thành phố còn lại trong cả nước tăng giá dịch vụ y tế. Giá các mặt hàng như điện, than, xăng dầu… tiếp tục tiến thêm một bước theo lộ trình thị trường hóa, nên cũng có nguy cơ tăng trong năm nay. Đặc biệt, những tháng đầu năm, lạm phát do cung tiền thường thấp, bởi gần như hết quý I, các hoạt động đầu tư, kinh doanh ít triển khai. Trong khi đó, thường vào những tháng cuối năm, cung tiền tăng mạnh. Điều này cộng với điều kiện nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng trong bối cảnh chính sách tiền tệ, tài khóa không được phối hợp điều hành chặt chẽ và kiểm soát hợp lý, sẽ khiến lạm phát tăng cao trở lại.

Giải pháp nào?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, nhận thấy nguy cơ lạm phát có tín hiệu tăng cao trở lại ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tập trung cao độ cho ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc triển khai hiệu quả các giải pháp ngắn hạn, nhằm tránh CPI tăng cao trở lại, phải đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát CPI ở mức hợp lý trong dài hạn.

Về các giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đang đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hơn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 01/2013 và Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Trong đó, việc chỉ đạo tổ chức triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… cần tránh hình thức, quan liêu, mà phải bám sát thực tiễn, đảm bảo cho các đối tượng trong diện hỗ trợ sớm được thụ hưởng chính sách.

Để đảm bảo duy trì CPI ở mức hợp lý trong dài hạn, theo ông Đam, trong năm 2013, Chính phủ tiếp tục ưu tiên chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện 3 lĩnh vực tái cơ cấu đột phá là: đầu tư công; thị trường tài chính, tiền tệ và DNNN, nhằm từng bước chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy chất lượng làm trọng.

Một khi 3 lĩnh vực quan trọng này đạt được những hiệu quả tích cực hơn trong quá trình tái cấu trúc, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Đây là nhân tố then chốt đảm bảo cho chủ động kiểm soát CPI ở mức hợp lý; qua đó, duy trì vĩ mô trong khuôn khổ ổn định bền vững.

“Cần khắc phục một căn bệnh cố hữu”

TS. Cao Sĩ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

CPI tháng 1/2013 tăng tới 1,25% là cao, bởi đây chưa phải là tháng Tết Nguyên đán. Trong khi đó, theo thông lệ tháng Tết, thường CPI tăng rất cao so với các thời điểm khác trong năm do nhu cầu mua sắm hàng hóa trong dân tăng cao đột biến. Hơn nữa, một loạt chính sách tiếp sức cho DN như miễn, giãn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… chưa hề đến thời điểm phát huy tác dụng, nhưng CPI tháng 1/2013 đã tăng với mức 1,25% là thực sự đáng lo ngại.

Muốn giải bài toán CPI có nguy cơ bùng phát trở lại không chỉ trong năm nay, mà cho cả giai đoạn tới, ngoài các giải pháp đang triển khai, cần ưu tiên khắc phục một căn bệnh cố hữu, đó là quý I hàng năm, gần như cả nước… đi chơi. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh gần như bị ngưng trệ. Điều này tác động tiêu cực đến điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Nói cách khác, thường trong quý I, vốn đầu tư, tín dụng gần như không thể đưa vào nền kinh tế. Ngược với tình trạng này là những tháng cuối năm, cung tiền thường tăng đột biến, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng tăng cao vào những tháng cuối năm. Điều này khiến CPI tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được hóa giải nếu vốn đầu tư từ ngân sách, cũng như từ khu vực dân cư, nguồn vốn tín dụng được đưa vào nền kinh tế rải đều vào các thời điểm trong năm.

Muốn khắc phục tình trạng “bội thực” vốn đầu tư thường diễn ra vào cuối năm khiến CPI tăng cao, ngay từ cuối năm liền trước, các bộ, ngành, DN cần khẩn trương hoàn thành quá trình chuẩn bị, phê duyệt các dự án đầu tư, để ngay từ đầu năm có thể triển khai các hoạt động đầu tư. Đây là biện pháp bền vững để giúp cung tiền cho nền kinh tế được bơm ra đều đặn trong suốt cả năm, qua đó giảm thiểu nguy cơ lạm phát có thể tăng cao bất cứ lúc nào.

 “Nguyên nhân sâu xa khiến CPI tăng cao chưa được giải quyết”

TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế

Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp, là nguyên nhân sâu xa khiến CPI có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do nguyên nhân sâu xa gây lạm phát chưa được giải quyết căn cơ, nên mỗi khi xuất hiện các yếu tố làm tăng giá ngắn hạn, thì lập tức CPI tăng cao. Điều này cũng không phải là ngoại lệ với diễn biến CPI trong tháng 1/2013.

Các giải pháp kiểm soát lạm phát thời gian qua vẫn thiên về xử lý các nguyên nhân mang tính phần ngọn, mà chưa giải quyết hiệu quả các tác nhân gốc rễ. Trong đó, yếu tố cốt lõi là nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế vẫn chưa mang lại kết quả rõ nét.

Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, cần có lộ trình, bước đi rõ nét và quyết liệt hơn trong thực thi 3 ưu tiên tái cơ cấu mà Chính phủ đã lựa chọn là đầu tư công; thị trường tài chính, tiền tệ và DNNN. Tuy đã khởi động tái cấu trúc 3 lĩnh vực này, nhưng do nhiều nguyên nhân mà chưa mang lại kết quả như mong đợi. Do vậy, sắp tới, đòi hỏi Chính phủ, cũng như chính quyền các cấp cần có những bước triển khai chính sách quyết liệt hơn. Khi 3 lĩnh vực này đạt được những kết quả rõ nét trong quá trình tái cơ cấu, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Chỉ khi cái gốc này được thiết lập, thì mới chủ động trong kiểm soát CPI ở mức hợp lý, qua đó giúp vĩ mô ổn định bền vững.