GDP của Nga lần đầu tiên sụt giảm trong vòng 5 năm
(Tài chính) Nền kinh tế Nga đã suy giảm từ tháng trước, đánh dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và sự sụp đổ của đồng Rúp.
Mới đây, Bộ Kinh tế nước này cho biết, tổng sản phẩm trong nước đã giảm 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái do đồng Rúp Nga trượt giá, mặc dù đã ổn định trở lại nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ trong vòng 10 ngày trước đó.
Hiện tại đồng Rúp đã giảm 5,4%, giao dịch đóng cửa ở mức 57,1 so với đồng USD.
Các nhà phân tích cho biết, sự sụt giảm này chứng minh cho việc giá dầu giảm và khủng hoảng tiền tệ đã đưa Nga vào một cuộc suy thoái mà nhiều người đã nhận ra trước đó.
Trong 11 tháng đầu năm, kinh tế Nga đã tăng trưởng thêm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Nga tăng trưởng chậm lại đáng kể từ năm 2013 do đầu tư giảm sút. Sau khi Moscow sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho cuộc chiến ly khai ở miền đông Ukraine, khiến phương Tây đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt, đã khiến ngân hàng và các doanh nghiệp Nga bị loại trừ trên thị trường vốn quốc tế. Các nhà kinh tế nhiều lần đã dự đoán rằng quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, cho đến tháng Mười năm nay, một sự phục hồi tạm thời trong sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp mạnh đã duy trì mức tăng trưởng nhỉnh hơn con số 0 một chút.
Tuy nhiên, khi giá dầu bắt đầu tuột dốc mạnh trong tháng 10 đã khiến đồng Rúp mất giá quá nhanh, khiến người dân Nga hoảng sợ. Làn sóng bán tháo đầu tiên đã khiến ngân hàng trung ương Nga phải thả nổi đồng Rúp trong tháng 11. Ngày 16/12, đồng Rúp đột ngột giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, khiến quốc gia này rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền tệ.
Ngay cả các nhà chức trách Nga hiện cũng nhận định rằng, suy thoái sẽ có nhiều khả năng xảy đến với quốc gia này. Ngân hàng trung ương dự báo, nền kinh tế Nga sẽ giảm 4,5% trong năm tới nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức trung bình 60 USD/thùng.
Dmitry Polevoy, kinh tế trưởng của Nga tại ING Bank, Moscow, cho biết, tình hình kinh tế xấu đi là do hậu quả của các lệnh trừng phạt, giá dầu và tâm lý thị trường hoảng loạn vào đầu tháng này. "Không có lý do nào để lạc quan cả", ông nói.