GDP vẫn có khả năng đạt mức 5,8%
(Tài chính) Đó là nhận định của ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 diễn ra sáng ngày 27/6/2014.
Vẫn có nhiều điểm sáng
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế -xã hội trong 6 tháng qua đã diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực, như sức mua trên thị trường thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, sức ép nợ xấu còn nặng nề, hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm...
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong nửa đầu của năm 2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%.
"Đây là mức tăng GDP cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013 (6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,93%; năm 2013 tăng 4,90%) và cả ba khu vực đều có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013", ông Hà Quang Tuyến cho biết.
Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 2,57 điểm phần trăm. Đây là những dấu hiệu tích cực, toàn diện về tăng trưởng của nền kinh tế.
Như vậy, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 là: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,78%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,50%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,51%. Hoạt động kinh doanh bất động sản bước đầu có những tín hiệu tốt với mức tăng 2,65%, cao hơn mức 1,8% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm dần, chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản đang dần phát huy tác dụng và các điều kiện cho vay mua nhà cũng được nới lỏng.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,45%, tuy cao hơn mức 5,19% của cùng kỳ năm 2013 nhưng vẫn ở mức thấp so với một số năm gần đây.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có chuyển biến tích cực với mức tăng 7,89%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm trước, góp phần tác động lớn đến mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng tiếp tục giảm kể từ quý III năm 2013, chỉ đạt 97,53% so với cùng kỳ 2013. Ngành xây dựng tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng 5,09% của 6 tháng đầu năm 2013.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,85% nhưng chỉ đóng góp 0,18 điểm phần trăm trong mức đóng góp của khu vực vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp mặc dù tăng thấp nhất ở mức 2,25% nhưng đóng góp 0,33 điểm phần trăm do quy mô nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực với khoảng 77%; ngành lâm nghiệp đóng góp 0,04 điểm phần trăm.
Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay vẫn theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).
"Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, cao hơn mức tăng 4,49% của cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,80%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm", ông Tuyến cho biết.
Song, vẫn còn nhiều ẩn số
Khái quát tình hình chung, ông Lâm nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi dần, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng khá.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập chưa được giải quyết triệt để nên thời gian tới, những thách thức mới xuất hiện sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước và ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Đặc biệt, diễn biến Biển Đông được coi là một ẩn số đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014. Nếu bỏ qua ẩn số này, thì khả năng GDP đạt mức 5,8% theo ông Hà Quang Tuyến là khả thi.
“Diễn biến các năm trước cho thấy, 6 tháng cuối năm thường đạt ở mức tăng trưởng cao hơn đầu năm. 6 tháng đầu năm đạt 5,18% rồi, thì 6 tháng cuối năm chỉ cần đạt mức tăng trưởng đạt 6,2% là có thể đạt được 5,8% của cả năm 2014”, ông Tuyến nói.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong những tháng cuối năm cả nước cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu mang tính cấp bách và cần thiết.
"Cụ thể là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; tập trung phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu," ông Lâm nói.