Giá cước sẽ giúp hồi sinh cổ phiếu cảng biển?

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Dù được đánh giá là ngành tiềm năng nhưng vì một vài lý do, cả chủ quan và khách quan đã khiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp vận tải biển đang gần như "chết lâm sàng" khi gần như không có giao dịch, rơi vào sự quên lãng của giới đầu tư. Tuy nhiên, câu chuyện "bão giá" vận tải biển thời gian qua được cho sẽ là động lực giúp các cổ phiếu này hồi sinh.

Nhiều cổ phiếu cảng biển đang trong tình trạng "chết lâm sàng" bỗng dưng tăng trần liên tiếp sau "cơn bão giá" cước vận tải.
Nhiều cổ phiếu cảng biển đang trong tình trạng "chết lâm sàng" bỗng dưng tăng trần liên tiếp sau "cơn bão giá" cước vận tải.

Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy, năm 2021 khi dịch bệnh dần được khống chế tại một số quốc gia, tình trạng mất cân đối cung cầu xảy ra khiến hoạt động trong ngành cảng biển, logistic có sự biến động mạnh. Hệ quả, xu thế đầu tư vào ngành cảng biển, logistic đang diễn ra rất mạnh mẽ trên toàn cầu.

Bên cạnh nhu cầu tăng cao, sự thiếu hụt container rỗng cùng đẩy giá cước tăng mạnh và chưa có điểm dừng. Có những giai đoạn, giá cước tăng phi mã từ 600 – 800 USD/container 40 feet lên mức 7.000 – 8.000 USD/container, thậm chí lên tới 10.000 USD/container.

Đánh thức nhiều mã cổ phiếu

Báo cáo của Agriseco cũng cho thấy, đối với các doanh nghiệp nội địa, việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi.

Cụ thể, tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa. Những doanh nghiệp sở hữu đội tàu quy mô lớn cũng được hưởng lợi từ xu thế này. Ngoài ra, việc tăng giá thuê tàu cũng giúp giá trị thị trường của đội tàu doanh nghiệp tăng lên đáng kể, do vậy các doanh nghiệp có thể ghi nhận những khoản lợi nhuận đột biến từ việc thanh lý những con tàu có tuổi đời cao.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu thuộc doanh nghiệp vận tải biển và các ngành liên quan đã nhanh chóng phản ứng với những thông tin tốt này và tăng giá đồng loạt, nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến nhóm cổ phiếu lâu nay vẫn được xem là "con nuôi" của thị trường cũng bất ngờ "phi mã".

Có thể kể đến như cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) vừa có 9 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 8 phiên tăng trần đưa thị giá cổ phiếu này từ 4.150 đồng/cp lên 7.360 đồng/cp, tương đương mức tăng gần gấp đôi.

Cùng với đà tăng của cổ phiếu là thanh khoản được cải thiện lên trung bình gần 3,6 triệu đơn vị mỗi phiên, trong khi trước đó con số này chỉ đạt dưới 1 triệu đơn vị/phiên. Trước đó, VOS đang từng bị hạn chế giao dịch trong nhiều năm liền do chìm đắm trong thua lỗ.

Tương tự, cổ phiếu SSG của CTCP Vận tải biển Hải Âu (Sesco) cũng vừa có chuỗi 7 phiên tăng trần từ ngày 9/6 đến nay đưa thị giá của cổ phiếu này tăng gần 2,8 lần từ 2.400 đồng/cp lên 6.700 đồng/cp.

Hay như trường hợp của cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) dù đang trong diện bị hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu âm nhiều năm nhưng trong 2 phiên giao dịch thứ 6 gần đây nhất đều đóng cửa trong sắc tím.

Cùng chung cảnh ngộ, chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần với VST, cổ phiếu ISG của CTCP Vận tải biển & Hợp tác Quốc tế cũng đã kịp thời ghi nhận cho mình 2 phiên tăng kịch trần (gần 30%) trong 2 tuần gần đây nhất.

Chỉ là phút "choàng tỉnh" ?

Thực tế, để lý giải cho đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành cảng biển và logistics trong thời gian qua, bên cạnh việc giá cước tăng mạnh và triển vọng ngắn hạn của toàn ngành còn có sự "chuyển mình" từ chính bản thân doanh nghiệp với các kế hoạch đón đầu cơ hội.

Đơn cử, trong bản kế hoạch năm 2021, tận dụng sự tăng trưởng trở lại của ngành vận tải, Vosco cũng đưa ra chiến lược tái cơ cấu quyết liệt. Trong đó, Vosco đang khai thác 3 nhóm tàu là tàu hàng rời, tàu dầu sản phẩm và tàu container. Các tàu hàng rời và tàu dầu sản phẩm hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, các tàu container hoạt động trên tuyến nội địa.

Bên cạnh đó là những biện pháp cơ cấu lại nợ, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khai thác đội tàu kỳ vọng sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 với mục tiêu cân bằng thu chi.

Tuy nhiên, tính đến hết quý I/2021, công ty vẫn còn lỗ sau thuế 19,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế đang ghi nhận 941 tỷ đồng. Trong khi đó, việc tái cơ cấu cũng cần khá nhiều thời gian mới có thể thấy được sự chuyển biến, chưa kể tái cơ cấu không thành công.

Thua lỗ, lỗ luỹ kế chồng chất cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp khác như Sesco, Vitranschart, Vận tải biển & Hợp tác Quốc tế...

Hơn nữa, dù vẫn được đánh giá là đang "phất" nhưng thị trường logistics vẫn luôn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn, thậm chí quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, chẳng hạn như áp lực cạnh tranh với các hãng tàu container nước ngoài.

Không chỉ vậy, hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi logistics hàng hải còn manh mún và thiếu liên kết. Hơn nữa, hạ tầng logistics, đặc biệt là các trung tâm phân phối hiện nay còn kém phát triển, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nền kinh tế cũng là một nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của logistics.

Để khắc phục được những thực trạng còn tồn tại và tận dụng được tốt những cơ hội đối với các doanh nghiệp lớn là cả một quá trình, chưa nói đến những doanh nghiệp đang "thoi thóp". Theo đó, mức tăng của những cổ phiếu nói trên có thể chỉ như một phút "chợt tỉnh" chứ chưa thể là một tín hiệu an toàn.