Giá dầu thô phục hồi nhẹ, thị trường lao động Hoa Kỳ bước vào giai đoạn bùng nổ

Theo Quang Đặng/tapchicongthuong.vn

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 7/5, giá dầu thô quốc tế đã phục hồi nhẹ trở lại sau khi giảm tới 1,4% trong phiên giao dịch hôm qua. Giá dầu thô hiện được hỗ trợ nhờ các dữ liệu cho thấy thị trường lao động tại Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn bùng nổ tăng trưởng mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vào lúc 8h00 sáng 7/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng nhẹ thêm 8 cents lên mức 68,17 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 9 cents lên 64,80 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent đã giảm 1,3% và giá dầu thô WTI giảm 1,4% sau khi một số thông tin cho biết Ả-rập Xê-út đã giảm 10% giá bán dầu thô chính thức cho khu vực Châu Á trong tháng 6/2021.

Điều này có thể cho thấy Ả-rập Xê-út đánh giá cao rủi ro nhu cầu sử dụng dầu thô của khu vực Châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại Ấn Độ và đang có dấu hiệu lan ra nhiều quốc gia trong khu vực. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đang hướng đến tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp nhờ việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tại Châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống dịch bệnh và ngành sản xuất chế tạo ở những khu vực này phục hồi tốt.

Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu thô.

 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 12/4 đến 7/5/2021 (Ảnh: Oil Price)
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 12/4 đến 7/5/2021 (Ảnh: Oil Price)

Giới phân tích dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu có thể đạt mức kỷ lục trong mùa hè này sau khi nhu cầu du lịch và di chuyển bị dồn nén trong khoảng thời gian dài vừa qua.

Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 500.000 đơn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này.

Ngoài ra, số lượng việc làm bị cắt giảm trong tháng 4 vừa qua tại Hoa Kỳ cũng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây. Điều này cho thấy thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh mẽ và bước vào giai đoạn bùng nổ.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ hiện vẫn tập trung quan sát các rủi ro liên quan đến dịch Covid-19 trong quá trình phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Hãng tư vấn năng lượng FGE (Anh) nhận định việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại tại một số nền kinh tế lớn của Châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan sẽ kìm hãm đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại những nước này.