Giá nhà đất Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giảm 30 - 50% so với 3 năm trước
So với ba năm trước, giá nhà đất tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã giảm 50% nhưng vẫn chưa có tia sáng nào để hi vọng mua bán sẽ phục hồi trở lại, đặc biệt là phân khúc đất thổ cư, đất nền và căn hộ cao cấp.
Bất động sản... vẫn bất động
Quanh khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, đoạn gần trụ sở Ủy ban Nhân dân quận 2, TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn dấu tích của chợ bất động sản (BĐS) thời sốt đất. Nhiều sàn giao dịch BĐS, công ty môi giới nhà đất mọc vội để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, mua bán nhà đất dự án trên giấy của các nhà đầu tư vào những năm 2007-2010 nay chỉ còn cái xác nhà. Tại một điểm môi giới của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ BĐS Phú Mỹ đặt trong căn nhà đóng bằng tôn, cửa sắt sơ sài, nhân viên kinh doanh tên Long cho biết hiện giá đất ở khu vực này giảm còn khoảng 50% so với thời sốt đất.
Hà Nội ế 5.789 căn hộ đã hoàn thiện
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở Hà Nội vừa diễn ra, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hà Nội, cho biết thị trường BĐS sau tết lại càng mù mịt hơn. Hiện Hà Nội đang tồn 5.789 căn hộ hoàn thiện nhưng chưa bán được, 3.483 căn hộ biệt thự liên kế và 17.500m² văn phòng cũng trong tình trạng này. Trong khi đó, theo thống kê thì có 3.000 hộ nghèo đang cần nhà ở, hàng triệu người đang sinh sống ở Hà Nội cần nhà ở.
Long cho biết trong đợt sốt đất năm 2007-2008, giá đất của các dự án khu vực này thấp nhất là gần 50 triệu đồng/m², những lô đất đẹp, có mặt tiền giáp đường lớn được mua bán với giá trên dưới 100 triệu đồng/m² và giữ “đẳng cấp” đến hết năm 2010.
Từ đầu năm 2011, giá đất khu vực này bắt đầu rơi không phanh và hiện chỉ còn một nửa. Tuy giá đất giảm sâu nhưng rất ít người mua, “số lượng người hỏi mua chỉ bằng 1/15 thời sốt đất, khách đến hỏi giá cho biết là chính” - Long nói.
Nhiều công ty môi giới cho biết những khu vực hạ tầng chưa hoàn chỉnh, dự án còn trên giấy như khu 510ha ở Cát Lái thì nhiều người đang muốn bán đổ bán tháo với giá 7-8 triệu đồng/m² (giảm 50% so với năm 2010) nhưng cũng không có khách hàng ngó ngàng tới.
Ở thị trường căn hộ cao cấp, nhiều dự án đã giảm giá so với trước kia rất nhiều. Ông Hoàng Tâm, một người chuyên mua đầu tư chung cư, cho biết trước năm 2009 ông góp vốn mua một căn hộ chung cư The Mansion Bình Chánh do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư với giá gần 12 triệu đồng/m². Năm 2010, khi chủ đầu tư chưa giao nhà thì đã có người trả 18 triệu đồng/m² nhưng ông không đồng ý bán. Nay thị trường đóng băng, căn hộ trên rớt giá, có người rao bán căn hộ với giá hơn 11 triệu đồng/m² nhưng cũng rất khó bán. Tuy vậy, ông Tâm vẫn hi vọng có ngày thị trường ấm lên, giá căn hộ chung cư cao lên một chút thì ông mới bán cho bớt lỗ.
Giám đốc một công ty môi giới nhà đất ở quận 2 cho biết giá căn hộ của những dự án đang dang dở, chưa hoàn thiện gần như xuống rất thấp và không có người mua. Dự án Petro Landmark trước đây bán giá 22 triệu đồng/m², đến tháng 10/2012 giảm còn 15 triệu đồng/m². Nay chủ đầu tư đã xây xong phần thô rồi ngưng thi công, không giao nhà đúng hẹn nên gần như không có người mua căn hộ của dự án này trong mấy tháng gần đây.
Lục đục vì đất
“Cứ thi thoảng một tháng lại vào thăm đất một lần. Không vào thì không được vì cả đống tiền nhưng lần nào vào đây cũng thấy xót của” - chị Nguyễn Thanh Huyền, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội, than thở. Chị Huyền kể sau 14 năm lấy nhau, vợ chồng chị tiết kiệm được 700 triệu đồng. Đến năm 2011, chị nghĩ gửi tiết kiệm mà mỗi năm lạm phát cứ 16-18% thì tự dưng cũng mất đi một khoản. Tính đi tính lại, anh chị đành đi mua đất, cũng chỉ là để giữ tiền.
Mất bốn tháng đi tìm đất, đi khắp các nơi ven Hà Nội, từ quận Hà Đông rồi sang cả Gia Lâm, Từ Liêm, tháng 4-2011 vợ chồng chị quyết định mua mảnh đất ở tổ 10, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội). Giá đất lúc đó là 38 triệu đồng/m², vợ chồng chị phải vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng nữa mới đủ tiền mua được 30m². Mua được là được, ai cũng khuyên thế.
Ngay tháng sau khi vừa nhận sổ đỏ đã có người hỏi mua lại với giá 42 triệu đồng/m². Thời điểm đó, giá đất cứ lên từng ngày, đến tháng 5/2011 vọt lên tới 50 triệu đồng/m². Có người xui bán nhưng cũng có người bảo cứ để rồi đất sẽ lên nữa. Nhưng lúc đó cũng nghĩ là mua để giữ tiền chứ có kinh doanh buôn bán gì đâu nên chị không quan tâm.
“Tuy nhiên, đến nay thì thật xót xa, cứ vào thăm đất là lại buồn đến mất ăn mất ngủ. Mảnh đất ấy chỉ còn 20 triệu đồng/m², tức là mất một nửa tiền rồi. Rao bán từ giữa năm ngoái nhưng cũng chả có ai hỏi gì. Nếu hoàn toàn là tiền của mình thì thôi, cứ để đó mà quên bẵng đi, dù giá có giảm thì cũng đành chịu. Nhưng một nửa là phải đi vay ngân hàng, tới 500 triệu đồng với lãi suất tới 20%/năm. Vợ chồng lục đục nhau cũng vì đất. Khổ hết chỗ nói” - chị Huyền mếu máo tâm sự.
Ông Phan Thanh Ruệ, người dân ở tổ 9, phường Yên Nghĩa, cho biết sau khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội khoảng một năm thì đất Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng như nhiều huyện của Hà Tây cũ nằm ven Hà Nội đắt lên vài chục lần. Nhiều nhà bán trăm mét vuông đất là có thể xây biệt thự, mua ôtô. Người dân ở khắp nơi, nội thành Hà Nội có, các tỉnh khác cũng đổ về đây mua đất để kinh doanh và để ở. Đông nhất là những ngày cuối tuần, ôtô, xe máy nườm nượp ra vào. Mặt đường thuộc khu dân cư từ tổ 9 đến tổ 12 dài khoảng 500m mà có đến gần chục văn phòng nhà đất mọc lên để buôn bán BĐS.
Nhưng không thể ngờ được, giá đất từ cuối năm 2011 lại giảm mạnh, từ lúc đắt nhất có người bán gần 50 triệu đồng/m² giờ chỉ còn một nửa. Ngược với trước đây, từ năm ngoái, hiếm có khách nào hỏi mua đất...
Với phân khúc nhà ở thương mại, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Dọc đường Lê Văn Lương kéo dài, khu Hà Đông hay cả quốc lộ 32... hàng trăm dự án chung cư đang xây dựng dang dở. Trong số đó có không ít dự án án binh bất động. Đơn cử, tòa nhà chung cư 52 Lĩnh Nam đã quá hạn bàn giao nhà nhưng dự án đã dừng thi công một năm nay với lý do hết vốn. Trong khi đó, nhiều người mua nhà đã nộp tới 95% giá trị căn hộ.
Dự án The Pride trên đường Lê Văn Lương nối dài do Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư. Theo tiến độ, dự án sẽ giao nhà vào tháng 6/2013, giá nhà theo như chủ đầu tư đưa ra là 18 triệu đồng/m². Tuy nhiên, nếu mua qua chủ đầu tư thứ cấp giá chỉ còn 15,5 triệu đồng/m². Ông Nguyễn Thanh Hải, phụ trách kinh doanh dự án The Pride, cho biết nhiều chủ đầu tư thứ cấp chấp nhận lỗ cũng phải bán để thu hồi vốn.
Hầu hết các dự án chung cư đều giảm 2-4 triệu đồng/m² là vì thế. Như dự án Dương Nội, nếu mua trực tiếp của chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường thì giá 17-18 triệu đồng/m². Tuy nhiên, người mua có thể chỉ phải trả 15 triệu đồng/m² hoặc thấp hơn một chút nếu mua lại của nhà đầu tư đã mua trước đó.