Giá nhà ở đâu đắt nhất thế giới?

Theo An Yên/reatimes.vn

Monaco là thị trường có giá nhà ở cao cấp đắt đỏ nhất thế giới với mức giá trung bình là 48.800 EUR/m2, tương đương hơn 1,3 tỷ đồng/m2.

Monaco vẫn là thị trường có giá nhà ở cao cấp đắt đỏ nhất thế giới. Nguồn: internet
Monaco vẫn là thị trường có giá nhà ở cao cấp đắt đỏ nhất thế giới. Nguồn: internet

Theo báo cáo mới nhất của đơn vị tư vấn bất động sản quốc tế Savills, Monaco vẫn là thị trường có giá nhà ở cao cấp đắt đỏ nhất thế giới với mức giá trung bình là 48.800 EUR/m2, tương đương 1.311.100.000 VND/m2. Trong năm 2018, tổng giá trị giao dịch của bất động sản nhà ở là 2,7 tỷ EUR, tăng 31% so với giá bán trung bình là 5.200.000 EUR.

Năm 2018, giá trung bình trên một mét vuông của quốc gia này tăng một cách đáng kinh ngạc, lên đến 18%, ngay tại thời điểm mà giá tại nhiều điểm nóng về bất động sản nhà ở trên thế giới bị đình trệ, hoặc thực tế là đang rớt giá. Giá trị nhà ở trung bình hiện nay cao hơn Paris lên đến 237%, cao hơn 194% so với London và cao hơn 10% so với Hongkong.

Khối lượng giao dịch cũng tăng 15% trong năm 2018 so với cùng kì năm trước. Doanh số của các bất động sản mới xây tăng khoảng 44% cho 72 dự án, mức cao kỷ lục tại Monaco. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm 14% tổng doanh số khi các nguồn dự án bán lại tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. 

 Giá nhà ở đâu đắt nhất thế giới?  - Ảnh 1

Các giao dịch trên 5 triệu EUR cũng có sự gia tăng đáng chú ý. Năm 2018, đã có 142 giao dịch, tăng 42% so với năm 2017 và gần gấp đôi so với năm năm trước. Điều này được thúc đẩy do sự xuất hiện nhu cầu từ các gia đình chuyển đến Monaco, doanh số bán của các căn hộ bốn phòng ngủ và các căn nhà lớn hơn tăng đến 59% trong khi doanh số các căn hộ studio giảm gần một phần tư.

Diện tích của cả đất nước Monaco còn nhỏ hơn so với diện tích Công viên Trung tâm tại New York, tuy nhiên, đây là nơi sinh sống của 38.000 cư dân từ 139 quốc gia khác nhau.

“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể về nhu cầu người mua xuất phát từ Anh Quốc, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy lạp trong năm 2018”, Bà Irene Luke, phụ trách Savills Monaco cho biết.

Monaco cũng là thị trường đắt đỏ nhất, trong đó cho thuê bất động sản nhà ở cao cấp với giá trị cho thuê trung bình là 1.200 EUR mỗi mét vuông (32.240.160 đồng/ mét vuông). Sở hữu hoặc thuê bất động sản ở Monaco là một trong những điều kiện để được công nhận cư trú, và trước tiên trong đó, nhiều người sẽ thuê căn hộ để trải nghiệm không gian sống trước khi đặt bút ký vào một cam kết dài hạn.

 Giá nhà ở đâu đắt nhất thế giới?  - Ảnh 2

Bà Sophie Chick, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Savills toàn cầu cho biết thêm: “Monaco là một địa điểm có danh tiếng vượt trội đối với giới giàu có và chúng tôi hy vọng nhu cầu bất động sản tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, thu hút các dòng chảy từ khắp nơi trên thế giới. Sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá, tuy nhiên chúng tôi không hy vọng giá trị sẽ tăng với tốc độ tương tự đã nhận thấy trong năm 2018 vì người mua đang trở nên nhạy cảm hơn khi đề cập về giá trên toàn cầu”.

Mặt khác, trong đánh giá về thị trường bất động sản cao cấp tại Hà Nội, TP.HCM trước đó, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định, giá căn hộ tại hai thành phố lớn của Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan), mặc dù tốc độ tăng trưởng ở TP.HCM cao hơn khi so sánh với các thị trường này.

"Mức giá trung bình dự kiến tiếp tục tăng nhưng chậm hơn trong thời gian tới", vị này nhận định, đồng thời cho biết sự tăng giá này sẽ phần nào phản ánh về những tiêu chuẩn phát triển cao và cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn. 

Theo ông Neil MacGregor, giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2 (khoảng 120 - 145 triệu đồng/m2), bằng một phần nhỏ so với Hongkong - nơi mà nhà ở luôn ở mức giá đắt đỏ kỷ lục.

"Các biện pháp hạ nhiệt đã khiến thuế nhà ở tại nhiều quốc gia trở nên cao hơn trong khi mức thuế này tại Việt Nam lại tương đối thấp, hấp dẫn người mua trong và ngoài nước", vị này cho hay. Đồng thời ông lý giải không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015.

Ông Neil MacGregor cho rằng, với sự thiếu hụt rõ rệt trong dự án cao cấp tại các đô thị lớn, người mua có thể thấy được tiềm năng dài hạn. Trong khi đó, với khoản lợi nhuận cho thuê vượt quá 5%, đây là một kênh đầu tư hấp dẫn so với lợi nhuận sụt giảm ở những địa điểm khác trong khu vực.

Theo số liệu của Savills Việt Nam, giao dịch với người nước ngoài tăng trưởng đạt ngoài dự kiến và chiếm khoảng 30% tại các dự án cao cấp khi được tung ra thị trường.