Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó
"Chưa bao giờ nông dân chúng tôi thấy giá phân bón tăng đến chóng mặt như thế. Trước giờ, giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp có tăng thì cũng từ từ. Nhưng khoảng 3 tháng qua, giá phân bón tăng gấp hai lần so thời điểm trước. Nông dân gặp khó trăm bề và chúng tôi đang đắn đo khi tái sản xuất cho vụ mùa tiếp theo"... Đó là phản ánh của những hộ dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.
Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Hè - Thu năm 2021. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ lúa này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, bởi giá phân bón tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Tới, ấp Đắc Lợi, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành - Sóc Trăng) bộc bạch: “Trong suốt vụ lúa Hè - Thu này, nông dân mua phân bón giá cao không tưởng, giá phân tăng gấp đôi so vụ mùa trước. Chẳng hạn giá phân urê trước là 360.000 đồng/bao tăng lên 630.000 đồng/bao; phân DAP giá 600.000 đồng/bao tăng lên 1 triệu đồng/bao; còn về các loại phân hạt pha trộn sẵn khoảng 400.000 đồng/bao tăng lên 500.000 đồng/bao nhưng với nông dân thường sử dụng phân đơn mua đem về sẽ tự tay pha trộn bón cho lúa, ít người mua phân pha trộn sẵn. Vì vậy, giá các loại phân đơn tăng, làm ảnh hưởng nhiều đến việc mua và tiêu thụ phân bón trên ruộng lúa của nông dân".
Đồng thời, giá phân tăng đã làm tăng chi phí sản xuất lên từ 2,2 triệu - 2,3 triệu đồng/công, tăng 1 triệu đồng so với trước. Giá phân tăng gấp đôi và nhân công lao động tăng 5 - 10%, giá lúa giảm nên với 3ha đất lúa của gia đình ông, năng suất tầm 5,5 tấn/ha, giá bán 5.600 đồng/kg, trừ chi phí thu lời tầm 20 triệu đồng/3ha, giảm 40 triệu đồng so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Sang, ấp Chùa Ông, xã Hậu Thạnh (Long Phú - Sóc Trăng) bộc bạch: “Chắc chắn trong vụ lúa Hè - Thu năm nay, hàng loạt nông dân làm nông không có lợi nhuận, bởi nhiều diện tích lúa khi bước vào giai đoạn đòng trổ, nhiều trận mưa lớn kéo dài nên ảnh hưởng đến việc ngậm sữa, làm số lượng hạt trên bông lem lép. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến mùa vụ sản xuất lúa, còn thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên từ 10 - 20%. Dự kiến vụ lúa Hè - Thu này với 2ha của gia đình, giống lúa OM18, 2 tuần nữa sẽ thu hoạch, ước năng suất 6,5 tấn/ha, giá lúa được thương lái báo trước là 5.600 đồng/kg, với năng suất và giá lúa như trên, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 18 triệu đồng/2ha”.
Ông Lâm Hùng, ấp Đào Viên, xã Viên Bình (Trần Đề - Sóc Trăng) thông tin: “Tôi có tổng diện tích 13ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Chưa bao giờ tôi thấy nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại, bởi giá phân bón tăng quá cao, tăng một cách đột biến. Vừa hết vụ Đông - Xuân năm 2020 - 2021, giá phân vẫn ổn nhưng khi xuống giống Hè - Thu năm 2021, giá phân tăng lên gấp đôi. Hiện tại, lúa của gia đình tôi 3 tuần nữa sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch, dự đoán năng suất khoảng 7 tấn/ha, giống lúa RVT nếu giá bán lúa được 6.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận tầm 17 triệu đồng/ha, lợi nhuận như trên đã giảm 50% so cùng kỳ năm trước.
Đấy là do gia đình tôi sản xuất giống lúa đặc sản, còn những hộ dân canh tác các giống lúa thường, với giá phân bón tăng cao, giá bán thấp chưa tới 5.000 đồng/kg, chắc chắn nông dân không có lời, thậm chí còn lỗ vốn. Nếu năng suất lúa thường khoảng 5 tấn/ha, giá bán khoảng 4.600 đồng/kg thì nông dân bị lỗ là chắc chắn…”.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ngành nông nghiệp rất cảm thông, chia sẻ cùng bà con nông dân khi giá phân bón tăng, bởi ảnh hưởng nhiều đến canh tác lúa của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh và làm giảm động lực sản xuất vụ mới cũng như về lâu dài ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của nông dân. Qua đó, Sở cũng đã kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xem xét việc giá phân bón tăng.
Đồng thời phối hợp ban ngành tỉnh Sóc Trăng liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp về chất lượng phân bón, giá niêm yết bán ra thị trường theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi bà con nông dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào "leo thang", ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, đặc biệt là áp dụng biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch…”.