Gia tăng mua sắm trực tuyến cuối năm
Xu hướng bán hàng trực tuyến đa kênh mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), giá trị mua hàng trực tuyến của một người Việt Nam ước đạt 170 USD/năm (cả năm 2016), đưa doanh số thương mại điện tử ở thị trường Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD/2016, tăng đến 23% so với năm trước đó và chiếm 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Có 13 loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến. Nhiều nhất trong đó là quần áo, giày dép và mỹ phẩm, chiếm tỷ lệ 56% (trong số người tham gia khảo sát lựa chọn). Đồ công nghệ và điện tử chiếm 55%, thiết bị đồ dùng gia đình chiếm 48%.
Phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng là phổ biến nhất, với 89% số người tham gia khảo sát sử dụng. Hình thức mua sắm trực tuyến qua các diễn đàn, mạng xã hội được lựa chọn nhiều nhất, với 60% số người khảo sát trả lời từng mua sắm qua hình thức này.
Xu hướng bán hàng đa kênh đang rất phổ biến tại Việt Nam. Cụ thể nhiều nhà bán lẻ hàng đầu như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store, Pico, Nguyễn Kim, Lotte… đang phát triển mạnh cả kênh trực tuyến và truyền thống. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất lớn là Acer, Asus, HP, Oppo… cũng hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ bằng hình thức cung cấp khuyến mãi tốt (giảm giá sâu trên mọi sản phẩm) cho người tiêu dùng.
Trên thị trường, xuất hiện ngày càng nhiều những nhà bán lẻ trực tuyến mở thêm các cửa hàng thực tế và ngược lại. Việc chỉ bán tại cửa hàng hoặc chỉ bán trực tuyến đang giảm và bị thay thế, bởi ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm hàng hóa trực tuyến, sau đó mua sắm thực tế hay ngược lại tìm kiếm thực tế, sau đó mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng cũng chọn cách so sánh giá trên không gian số, đặc biệt là từ điện thoại di động.
Theo khảo sát của Hội Tin học Việt Nam, trong năm 2016, tỷ lệ truy cập Internet từ điện thoại di động của người dân chiếm đến 89%, cao hơn tỷ lệ từ máy tính để bàn và xách tay. Có 48% người truy cập Internet hàng ngày từ thiết bị di động, để tìm kiếm thông tin về hàng hóa dịch vụ muốn mua sắm.
Đồng thời, điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất (đến 79%) để tìm kiếm thông tin trước khi mua sắm so với máy tính (là 73%) hay hỏi trực tiếp từ bạn bè, người thân (là 33%).
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt giá trị 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 30% - 50%/năm. Số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến tăng theo từng năm.
Đặc biệt, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến (thứ sáu tuần đầu tiên của tháng 12) với sự tham gia của những thương hiệu lớn như Adayroi, Lazada, Shopee, Sunhouse, FPT, Anbico, Công ty May Nhà Bè, Sendo, Badasa, Leflair… và nhóm doanh nghiệp về ngân hàng, chuyển phát... đã thu hút rất đông người dân Việt Nam tham gia.
Và trong năm 2017 này, Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday được chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để xây dựng các quy trình đăng ký chặt chẽ, áp dụng quy chế về báo xấu và xử phạt, để đảm bảo khuyến mãi hấp dẫn mà chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Một số trang bán hàng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều như Badasa, là sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam (khai trương tháng 6/2017), chuyên cung cấp các sản phẩm, hàng hóa đặc sản vùng miền trên cả nước. Trên trang này có hàng nghìn sản phẩm đặc sản thuộc nhiều ngành hàng đồ uống, thực phẩm khô, bánh kẹo, gia vị, ngũ cốc, hàng thủ công mỹ nghệ… của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình đạt chứng nhận tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm bán với giá cả phù hợp.
Tại Badasa, khách hàng ngồi nhà vẫn mua được sản phẩm của cả nước như gạo Séng Cù Lào Cai, miến dong Na Rì, Bắc Kạn, cao chè Vằng Quảng Trị, tinh dầu Tràm của Huế, cà phê Đắk Lắk…
Hay trang Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Sunhouse, FPT… bán với giá rẻ hàng nghìn sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin viễn thông, điện gia dụng… Sản phẩm có chứng nhận chất lượng, chính sách đổi trả hàng hóa, giảm giá đúng theo đăng ký.