Gia tăng vụ kiện phòng vệ thương mại: Hiểu luật để hạn chế rủi ro
Do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến cũng sẽ nhiều hơn trong giai đoạn sắp tới.
Nguy cơ bị kiện tại nhiều thị trường
Trước tình hình trên, Cục PVTM (Bộ Công Thương) khuyến cáo, các ngành hàng sản xuất trong nước sẽ đứng trước những thách thức, khó khăn mới với mức độ cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giảm sút và có nguy cơ mất thị trường.
Cụ thể, việc bị áp thuế sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác.
Bên cạnh đó, việc tham gia giải quyết các vụ việc PVTM làm tăng chi phí xuất khẩu của donh nghiệp (DN). Thực tế, việc theo đuổi các vụ kiện thương mại trong thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định sản xuất, xuất khẩu của DN.
Thậm chí, ngay khi vụ việc PVTM được khởi xướng, các DN xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng của DN để đáp ứng với những thay đổi mới của thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau, tác động đến biện pháp PVTM. Vì thế, các vụ kiện về PVTM phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép...
Đặc biệt, hiện sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị khởi kiện ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây, chỉ mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, da giày, thì nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch chỉ vài chục triệu USD như lò xo, giường... cũng phải đối mặt với điều tra PVTM.
Tăng cường hạn chế rủi ro
Theo thống kê của Cục PVTM, hết quý I/2021 đã có 203 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, năm 2020 có 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cũng đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 1 vụ chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Hiện nay, số lượng các biện pháp PVTM thực hiện trên toàn cầu đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Đáng chú ý, các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam tại thị trường có truyền thống sử dụng biện pháp PVTM như EU, Mỹ có chiều hướng giảm đi hoặc giữ nguyên, trong khi các vụ việc điều tra như vậy có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển, như Brasil, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập...
Năm 2021, do xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sẽ nhiều hơn, khiến ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng...
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, Cục PVTM đã đưa ra khuyến nghị tới DN, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. Để hỗ trợ DN hạn chế rủi ro, Cục sẽ chú trọng cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa...