Giá vàng thế giới tạm rời ngưỡng cao kỷ lục
Các chuyên gia phân tích cho rằng, giá vàng hiện vẫn đang có tiềm năng tăng mạnh bởi yếu tố bất ổn trên toàn cầu gia tăng.
Giá vàng rời khỏi ngưỡng cao kỷ lục khi mà đồng USD và trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ duy trì ở ngưỡng cao. Số liệu lạm phát Mỹ cao hơn kỳ vọng làm giảm kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất cơ bản đồng USD.
Thị trường New York, giá vàng giao ngay hạ 0,7% xuống 2.335,99 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2024 hạ 0,4% xuống 2.348,4 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng ngay 1% trong phiên, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng sau khi số liệu lạm phát Mỹ được công bố. Vàng trở thành loại tài sản kém hấp dẫn với nhà đầu tư.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,4% so với tháng 3/2024, trong khi trước đó các chuyên gia dự báo về mức tăng 0,3%.
Chuyên gia tư vấn cao cấp về thị trường kim loại, ông Tai Wong, nhận xét: “Số liệu việc làm tích cực cũng như CPI ở ngưỡng cao đang trái ngược với kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed, chính vì vậy không ngạc nhiên khi giá vàng điều chỉnh giảm”.
Các quan chức thuộc Fed băn khoăn về kịch bản cuộc chiến kiềm chế lạm phát của Fed không diễn biến đạt kỳ vọng, chính vì vậy sẽ cần đến quá trình thắt chặt tiền tệ kéo dài, theo biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Mỹ vào ngày 19 - 20/3/2024.
“Biên bản cuộc họp dường như cho thấy rằng toàn bộ ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Fed sẵn sàng hạ lãi suất nếu kinh tế diễn biến đạt kỳ vọng. Tuy nhiên cũng cần phải tính đến việc lạm phát diễn biến không đạt kỳ vọng”, ông Wong nhấn mạnh. Dù rằng được coi như công cụ ngừa lạm phát, sức hấp dẫn của vàng thường giảm đi trong bối cảnh môi trường lãi suất cao.
Trước đó vào phiên ngày thứ Ba (ngày 9/4), giá vàng lập kỷ lục 2.365,09 USD/ounce.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng HSBC nhấn mạnh: “Rủi ro địa chính trị leo thang không khỏi củng cố cho vị thế của vàng, vàng nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong bối xảnh xuất hiện nhiều bất ổn bởi có rất nhiều xung đột đang diễn ra khắp nơi trên thế giới cũng như cuộc bầu cử trên quy mô toàn cầu trong năm nay”.
CEO của Quỹ GraniteShares, ông Will Rhind phân tích: “Nhu cầu vàng trong năm 2024 luôn ở ngưỡng cao bởi nhu cầu mua vàng mạnh của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt nhóm ngân hàng trung ương các nước mới nổi và đang phát triển đang trong nỗ lực đa dạng hóa dự trữ quốc gia”.
Giá vàng đã tăng mạnh từ hai tháng cuối năm ngoái, do căng thẳng tại Trung Đông bùng phát. Với các diễn biến mới gần đây, cuộc xung đột này đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực.
Năm nay, cử tri tại hơn 60 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia bầu cử, trong đó có Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng những biến động kinh tế và chính trị này sẽ còn tiếp tục giúp thị trường vàng lập đỉnh.
Cuối tháng 2/2024, các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Citibank cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD một ounce trong 1 - 1,5 năm tới. Song với các diễn biến gần đây, giới chuyên môn nhìn nhận kim loại quý có thể cán mốc này sớm hơn dự báo.