Giấc mộng của những người khổng lồ
(Tài chính) Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, thuật ngữ Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây khiến giới phân tích không khỏi không so sánh với Giấc mơ Mỹ đã tồn tại nhiều thập kỷ.
Thuật ngữ Giấc mộng Trung Hoa được nhà lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra sau khi lên nắm quyền năm 2013. Không như học thuyết quan điểm phát triển khoa học của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay thuyết Tam đại diện của Giang Trạch Dân, Giấc mộng Trung Hoa – như nhận định của các chuyên gia - là tìm cách truyền cảm hứng cho đông đảo người Trung Quốc nhằm theo đuổi một sự nghiệp vĩ đại nhằm đưa Trung Quốc trỗi dậy.
Khẩu hiệu Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở lại thời kỳ vinh quang vĩ đại trong quá khứ. Cái quá khứ vinh quang đó ở trước thế kỷ XIX, khi Trung Quốc là đế chế làm mưa làm gió ở châu Á. Theo giới cầm quyền Trung Quốc hiện nay, sau thế kỷ thứ XIX, các nước đế quốc đã tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc và lấy đi của Trung Quốc những vùng lãnh thổ rộng lớn. Bằng việc khởi xướng, quảng bá khái niệm đó, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại để đưa quốc gia này thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng giấc mơ theo cách của người Trung Quốc lúc này đang khiến không ít quốc gia khu vực cảm thấy lo lắng khi kèm với đó là những động thái khá hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc như dùng sức mạnh để đòi hỏi, áp đặt chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ra đời trước nhiều thập kỷ, Giấc mơ Mỹ là một niềm tin về sự tự do cho phép tất cả các công dân và những người sinh sống tại Mỹ theo đuổi các mục tiêu của họ trong cuộc sống qua làm việc siêng năng và tự ý chọn lựa bằng khả năng hơn là bằng địa vị xã hội của mình. Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã tạo ra thuật từ “Giấc mơ Mỹ” trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông có tựa đề là Epic of America (Thiên hùng ca Mỹ): “Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi đàn ông và đàn bà sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ”. Ý nghĩa của thuật từ này đã tiến hóa theo tiến trình lịch sử của Mỹ. Và dần dần, nó trở thành một thuật ngữ để chỉ “miền đất hứa” – nơi mang lại cơ hội cho mọi cá nhân trên khắp thế giới, không phân biệt giai cấp, tôn giáo hay chủng tộc.
Không cần bàn nhiều về những điểm khác biệt khi đặt hai giấc mơ của hai cường quốc cạnh nhau. Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình là trẻ hóa dân tộc Trung Quốc, bao gồm cả văn hóa, chính trị, thơ ca và thói gia trưởng để chấn hưng đất nước. Trong khi đó, Giấc mơ Mỹ được xây dựng trên chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, suy tôn tự do cá nhân và tự do phát triển. Điều đáng nói là Mỹ và Trung Quốc đều có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều là những quốc gia tin rằng mình có số phận đặc biệt và coi nền văn hóa của mình là món quà đặc biệt dành cho nhân loại. Cả hai đều là các cường quốc rộng lớn, một đang dẫn đầu thế giới, còn một hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới, được trông đợi trong tương lai sẽ dẫn đầu thế giới. Tất nhiên, hai nước cũng có nhiều khác biệt. Mỹ là một nền dân chủ trẻ, hiếu thắng, trong lúc Trung Quốc là một quốc gia già cỗi, quan liêu. Câu hỏi đặt là người khổng lồ nào sẽ vững vàng hơn trước những thách thức của thế kỷ XXI cùng với giấc mơ của mình?