Nhận diện tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Theo quy định tại Luật Dân sự năm 2005, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật là một trong ba nhóm cơ bản của tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bên cạnh tài sản được hình thành từ tiền ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn gốc NSNN và đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Trong khi phần lớn các loại tài sản nhà nước đã có luật quy định thống nhất về chế độ quản lý, sử dụng như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Dự trữ quốc gia... thì tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đang được điều chỉnh tản mát ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều đó dẫn tới nhận thức, cơ chế xử lý và tổ chức thực hiện xử lý đối với các loại tài sản này cũng có sự khác nhau.
Nghị định số 29/2014/NĐ-CP đã “khoanh vùng” đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước để làm cơ sở cho việc hình thành cơ chế quản lý, xử lý và công tác tổ chức thực hiện. Theo đó, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước bao gồm 4 nhóm: Một là, tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nhưng do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo bản án, quyết định của toà án, quyết định của cấp có thẩm quyền khác); Hai là, tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, di sản không người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; Ba là, tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (bao gồm: tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam); Bốn là, tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
Làm rõ trách nhiệm chủ trì quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Quá trình xác lập quyền sở hữu và xử lý tài sản có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, việc xác định cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính là cần thiết, để đảm bảo việc thực hiện được công khai, nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là điểm mấu chốt của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP. Theo đó, đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong trường hợp chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; Cơ quan của người ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong các trường hợp còn lại. Đối với tài sản của người bị kết án bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, sở tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cơ quan thi hành án cấp quân khu chuyển giao, phòng tài chính kế hoạch thuộc UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp huyện chuyển giao.
Đối với vật chứng vụ án do cơ quan điều tra, viện kiểm sát ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước, cơ quan đã ra quyết định tịch thu là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Đối với bất động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản không có người thừa kế, sở tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với bất động sản, di tích lịch sử - văn hoá, phòng tài chính kế hoạch là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý đối với động sản; trường hợp một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau (bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản) thì sở tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản.
Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, sở tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Đối với hàng hoá tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan, cục hải quan là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản. Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước Việt Nam mà khi chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản.
Trường hợp khi chuyển giao không xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng thì tùy từng loại tài sản khác nhau, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm chủ trì quản lý, xử lý tài sản cho ban quản lý dự án (đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn ODA và các nguồn viện trợ không hoàn lại do các chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài chuyển giao); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phân cấp (đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh), Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp, sở tài chính (đối với các tài sản còn lại). Đối với tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam, sở tài chính là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản.
Bên cạnh việc xác định đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản, Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị này trong việc bảo quản tài sản, làm thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản...
Thống nhất, chặt chẽ thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản
Việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản của tổ chức, cá nhân là một việc quan trọng, liên quan tới quyền tài sản của thể nhân và pháp nhân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu phải hết sức chặt chẽ, rõ ràng. Song với một số loại tài sản các quy định hiện hành về thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đó như: Chưa có quy định cụ thể về thời hạn, hồ sơ kèm theo khi làm thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam; Chưa có quy định cụ thể về thời gian, trình tự và hồ sơ để ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với vật bị đánh rơi, bỏ quên, vật vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu, di sản không có người thừa kế; Chưa có quy định về thẩm quyền và thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam theo cam kết.
Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong trường hợp chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước; Cơ quan của người ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trong các trường hợp còn lại.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 29/2014/ NĐ-CP đã quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với từng loại tài sản, đặc biệt là các tài sản hiện nay chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Tăng cường khả năng điều hòa tài sản để giải quyết nhu cầu về tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước
Đối với tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự và hình sự; Tài sản được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu dưới các hình thức biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật được thực hiện theo quy trình xử lý quy định tại Thông tư số 166/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính (cơ quan tài chính là cơ quan chủ trì lập, tổ chức thực hiện phương án xử lý). Do vậy, cơ quan tài chính là đầu mối tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý, tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý. Tuy nhiên, đối với tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính, lại chưa có một cơ quan tổng hợp chung đứng ra điều hòa việc xử lý tài sản.
Để giải bài toán trên, Nghị định đã quy định cụ thể đối với các tài sản buộc phải chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý, tài sản có thể chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước (phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị và phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn) thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản phải thông báo cho cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, sở tài chính) để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức.
Việc bắt buộc phải thông báo về cơ quan tài chính đối với các loại tài sản nêu trên sẽ góp phần đảm bảo việc xử lý tài sản đúng quy định của pháp luật, tăng cường khả năng điều hòa tài sản phục vụ hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước thay cho việc hàng năm phải bố trí dự toán ngân sách để thực hiện mua sắm tài sản, giảm thiểu các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản. Với quy định này cùng với sự điều chỉnh về việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính, chắc chắn tỷ trọng tài sản thực hiện chuyển giao sẽ tăng lên so với hiện nay.
Theo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 9 bộ, cơ quan trung ương (giai đoạn 2010-2012), tổng giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước là trên 2.419 tỷ đồng; Trong đó, giá trị tài sản tịch thu do vi phạm hành chính chiếm 81,7%; Tài sản tịch thu theo quyết định của tòa án chiếm 6,1%; Tài sản do tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho chiếm 11,9%; Số còn lại là các tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy. Tuy nhiên, trong tổng số tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước nêu trên, hình thức xử lý chủ yếu là bán (chiếm khoảng 70%), chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị để sử dụng chỉ chiếm khoảng 7,8%.
Thống nhất hình thức xử lý tài sản
Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước vốn đa dạng và phong phú. Vì thế, hình thức xử lý cũng phải đa dạng để phù hợp với đặc điểm của từng loại tài sản và quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định 29/2014/NĐ-CP đã quy định thống nhất các hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. Đó là, chuyển giao cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản có yêu cầu quản lý đặc biệt của Nhà nước; Chuyển giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, sử dụng đối với phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn; Nộp vào NSNN đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ; Tiêu hủy đối với các loại tài sản đã cũ nát, tài sản buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật; Bán đối với các tài sản còn có khả năng sử dụng được; Thanh lý đối với các tài sản sau khi bán đấu giá hai lần nhưng không bán được. Đặc biệt, để giảm bớt thời gian, chi phí xử lý, Nghị định cho phép bán chỉ định đối với các loại hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, tài sản có giá trị nhỏ (dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản), trừ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Việc áp dụng hình thức xử lý cụ thể căn cứ vào tính chất, đặc điểm và thực trạng của từng loại tài sản.
Cùng với quy định về hình thức xử lý tài sản, Nghị định 29/2014/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý tài sản từ khâu bảo quản, lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý tài sản, quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tài sản.
Với những quy định trên, Nghị định 29/2014/ NĐ-CP không chỉ là lời giải cho nhiều bài toán đang đặt ra cho công tác quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước hiện nay mà còn là tiền đề để xây dựng Luật về tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
Giải bài toán quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
(Tài chính) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. Nghị định này là lời giải cho bài toán đang đặt ra về công tác quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước hiện nay.
Xem thêm