Giải cơn “khát” vàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng

Qua 8 phiên đấu thầu kể từ ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra thị khoảng 10 tấn vàng. Dù vậy, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới không được thu hẹp như kỳ vọng mà ngày càng dãn rộng. Phải chăng thị trường vẫn đang trong cơn “khát vàng”? Xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này.

Giải cơn “khát” vàng - Ảnh 1
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới không giảm dù NHNN đã đưa ra thị trường 158.200 lượng vàng

Sau các phiên đấu thầu của NHNN, giá vàng trong nước thường bị đẩy lên cao hoặc bị neo giá thay vì giảm theo đà biến động chung của giá thế giới. Chẳng hạn, phiên đấu thầu ngày 16/4, có 25.700 lượng vàng được đặt mua với giá trúng thầu từ 38,7 - 38,92 triệu đồng/lượng nhưng giá thị trường sau đó lên tới 41,5 triệu đồng/lượng. Tính ra, các đơn vị trúng thầu đã “bỏ túi” hơn 66,8 tỉ đồng chênh lệch. Đến phiên ngày 17/4, sau kết quả trúng thầu, giá vàng trên thị trường cũng lập tức được đẩy lên cao. Cuối ngày 17/4, giá vàng SJC ở mức 41,35 triệu đồng/lượng, cao hơn giá trúng thầu trong buổi sáng từ 550.000 - 640.000 đồng/lượng. Như vậy, với 39.700 lượng vàng trúng thầu, các đơn vị tham gia tiếp tục kiếm lời hơn 19 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy cầu trên thị trường còn rất cao, tình trạng khát vàng rất lớn và lượng vàng mà NHNN bơm ra chưa đủ giải tỏa cơn khát vàng. Nhu cầu mua vàng và trữ vàng trong dân đã lớn, mà nhu cầu tất toán vàng ở hệ thống ngân hàng thương mại cũng rất lớn. Nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn giữ trạng thái âm về vàng và họ phải tất toán trạng thái này trễ nhất cuối tháng 6 tới đây.

Chúng ta đã thấy, gần 10 tấn vàng bơm ra thị trường nhưng không giảm được độ chênh giá với quốc tế. Đối với nhiều người thì đây là một thất bại. Nhưng đối với NHNN thì hình như không phải vậy. NHNN đã nhiều lần khẳng định không có chủ trương làm giảm giá vàng ngay tại thời điểm này mà chủ trương cung một lượng vàng mà theo NHNN thích hợp vào thị trường để phần nào đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, đối với một ngân hàng trung ương vấn đề bảo toàn dự trữ quốc gia được đặt lên hàng đầu. Họ không thể lấy hết vàng trong kho ra đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng ta nên nhìn ở góc độ ngân hàng trung ương là người mua bán cuối cùng dưới khía cạnh thương mại nhưng không nên xem NHNN là nơi cung cấp vàng cuối cùng để luôn đáp ứng cầu của thị trường, đặc biệt khi thị trường thiếu vàng.

Chính vì thế, phương pháp giải quyết cuối cùng cho cung - cầu gặp nhau là  phải để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới. Khi trật tự trên thị trường vàng đã được thiết lập thì NHNN có thể chấm dứt đấu thầu và cho phép  các doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhập khẩu vàng và mở tài khoản vàng tại các tổ chức kinh doanh vàng thế giới.

Sự độc quyền của NHNN trong thời điểm này là cần thiết để ổn định thị trường vàng và bảo toàn dự trữ ngoại hối. Nếu ngay lúc này cho các tổ chức khác kinh doanh nhập khẩu vàng họ sẽ phải dùng lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu, sẽ làm hao hụt ngoại tệ ảnh hưởng  đến tỉ giá và sự ổn định đồng nội tệ. Tuy nhiên, NHNN không thể cấp mãi vàng cho thị trường. Trong vòng 3 - 6 tháng nữa chúng ta có thể chờ đợi một bước tiếp theo của NHNN về việc cho phép nhập khẩu vàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Thực tế cho thấy cầu trên thị trường còn rất cao, tình trạng khát vàng rất lớn và lượng vàng mà NHNN bơm ra chưa đủ giải tỏa cơn khát vàng.

Ở các nước trên thế giới, như Ấn Độ cũng đưa ra hàng loạt chính sách để quản lý thị trường vàng. ngân hàng trung ương quốc gia này muốn quản lý thị trường vàng bằng rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng đều thất bại. Đến nay, Ấn Độ đã thả nổi thị trường vàng và chỉ quản lý bằng thuế suất nhập khẩu vàng khi nâng mức thuế lên 50%. Ngay cả Trung Quốc, cách đây 10 năm, cũng cố gắng kiểm soát thị trường vàng theo hướng độc quyền, ấn định giá vàng nhưng không thành công và hiện cũng thả nổi thị trường vàng….

Từ việc đấu thầu vàng chúng ta thấy, NHNN vừa là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng vừa là cơ quan quản lý, điều này đi ngược với một nền kinh tế thị trường đặt nền tảng trên cạnh tranh bình đẳng giữa các thành viên tham gia. Tuy nhiên, ở bối cảnh Việt Nam hiện nay, NHNN vừa là cơ quan quản lý, vừa là nhà đấu thấu hình như  là cần thiết. Nếu không đóng vai trò là người mua bán vàng cuối cùng NHNN khó có thể mạnh tay điều chỉnh thị trường để tạo sự ổn định. Nhưng khi thị trường vàng đã ổn định với giá vàng được điều chỉnh theo cung cầu thị trường thì NHNN phải rút ra khỏi vai trò nhà cung cấp và kinh doanh  vàng và chỉ giữ vai trò quản lý. Điều này chừng nào nên xảy ra? Có lẽ muộn nhất là cuối năm 2013.