Thực trạng thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ

Đánh giá định lượng về thất thu thuế nói chung và thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng là rất khó. Nếu như cơ quan thuế có thể chỉ ra được thất thu bao nhiêu thì về cơ bản đã không để thất thu chừng ấy thuế, đặc biệt là thất thu do gian lận thuế gây ra. Tuy nhiên, trên cơ sở những tài liệu phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và hoạt động điều tra của cơ quan công an, cùng với số liệu khảo sát thực tế, có thể hình dung bức tranh phác họa về thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam thời gian qua.

Kết quả khảo sát thực hiện năm 2013 về mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ: 19,5% người được hỏi cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ là rất lớn; 47,62% người được hỏi cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ ở mức lớn; 28,57% người được hỏi cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ ở mức vừa phải; 4,76% người được hỏi cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ ở mức thấp và không ai cho rằng không có thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ.

Giải pháp đột phá chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ - Ảnh 1

Thất thu thuế diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, ở cả thành thị lẫn nông thôn, cả miền xuôi và miền ngược, cả doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh cá thể. Tuy vậy, mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ của những đối tượng kinh doanh khác nhau là không giống nhau do những đặc thù về tính chất sở hữu và phương thức kinh doanh.

Giai đoạn 2006-2010, ngành Thuế đã xử lý kỷ luật 1.429 cán bộ công chức (giảm 182 trường hợp so với 2001-2005), trong đó xử lý hành chính 1.348 trường hợp và xử lý hình sự 81 trường hợp. Năm 2013, cơ quan thuế các cấp đã xử lý kỷ luật 241 công chức, viên chức thuế, trong đó khiển trách 122, cảnh cáo 51, có 22 trường hợp bị cách chức và 16 trường hợp bị xử lý hình sự.

Hình 1 mô tả kết quả khảo sát về thất thu thuế cho thấy mức độ thất thu thuế theo tính chất sở hữu của đối tượng kinh doanh.

Theo đó, với mức độ thất thu cao nhất là 10 thì hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp dân doanh được đánh giá là có mức độ thất thu cao nhất, lần lượt là 6,85 và 6,67 điểm/10 điểm. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ tuy được đánh giá thất thu thấp hơn nhưng cũng ở mức xấp xỉ 5 điểm. Những lĩnh vực cụ thể của kinh doanh bán lẻ khác nhau cũng có mức độ thất thu khác nhau.

Biểu đồ trên cũng cho thấy, với thang điểm thất thu cao nhất là 10 điểm thì theo đánh giá của những người tham gia khảo sát, lĩnh vực thất thu lớn nhất là nhà hàng, ăn uống giải khát với điểm bình quân là 7,9; tiếp theo là khách sạn, nhà nghỉ với điểm bình quân là 6,7.

Giải pháp đột phá chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ - Ảnh 2

Nguyên nhân gây thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bán lẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đáng lưu ý nhất là những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do những đặc điểm cố hữu của kinh doanh bán lẻ nên việc quản lý người nộp thuế cũng như kiểm soát các hoạt động kinh doanh của họ rất khó khăn. Số lượng người kinh doanh bán lẻ lại rất nhiều và đa dạng về loại hình tổ chức kinh doanh nên khối lượng công việc quản lý cũng rất lớn.

Cách thức bán lẻ rất đa dạng và khác nhau giữa những người kinh doanh bán lẻ nên nếu cơ quan thuế không hiểu biết cách thức kinh doanh của người nộp thuế (NNT) sẽ không kiểm soát được đầy đủ hoạt động kinh doanh của họ. Người mua lẻ hàng hóa, dịch vụ thường là người tiêu dùng cuối cùng nên không có nhu cầu thúc bách lấy hóa đơn khi mua hàng. Điều này khác với đối tượng mua hàng là các tổ chức hoặc doanh nghiệp – những đối tượng này có nhu cầu lấy hóa đơn để làm căn cứ pháp lý chứng minh hoạt động chi tiêu hoặc làm căn cứ xác định các nghĩa vụ thuế của mình. Đặc điểm này tạo ra một hệ quả tất yếu là tạo điều kiện thuận lợi để NNT che giấu giao dịch kinh doanh nhằm mục đích trốn thuế.

Thứ hai, các khoản mua hàng lẻ ở Việt Nam thường được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, trong khi đó, như đã phân tích trên, người tiêu dùng cuối cùng lại không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.

Từ năm 2009, Luật Thuế giá trị gia tăng đã bổ sung điều kiện thanh toán qua ngân hàng khi khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với khoản mua hàng có tổng giá thanh toán từng lần từ 20 triệu đồng trở lên. Từ năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bổ sung điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản mua hàng có tổng giá trị thanh toán từng lần từ 20 triệu đồng trở lên khi xác định chi phí được trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Những quy định trên chỉ tác động đến người mua hàng là doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh khác, không có tác động đến người mua hàng là người tiêu dùng cuối cùng. Bởi vậy, kiểm soát giao dịch kinh doanh của người nộp thuế trong điều kiện nền kinh tế tiền mặt đã, đang và sẽ là một thách thức đối với cơ quan thuế.

Giải pháp đột phá chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ - Ảnh 3

Thứ ba, trang thiết bị quản lý của cơ quan thuế thời gian qua tuy đã được hiện đại hóa song vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý thuế. Cơ quan thuế còn thiếu các thiết bị hiện đại giám sát hoạt động kinh doanh của NNT.

Thứ tư, tính liêm chính của một bộ phận công chức thuế chưa cao. Mặc dù không nhiều, song một số trường hợp công chức thuế vi phạm pháp luật, tham nhũng hoặc ăn chia với NNT bị bộ phận kiểm tra nội bộ của cơ quan thuế xử lý kỷ luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố thời gian qua là những minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Cả giai đoạn 2006-2010, toàn hệ thống Thuế đã xử lý kỷ luật đối với 1.429 cán bộ công chức (giảm 182 trường hợp so với giai đoạn 2001-2005), trong đó xử lý hành chính 1.348 trường hợp và xử lý hình sự 81 trường hợp. Năm 2013, cơ quan thuế các cấp đã xử lý kỷ luật 241 công chức, viên chức thuế, trong đó khiển trách là 122, cảnh cáo là 51, có 22 trường hợp bị cách chức và 16 trường hợp bị xử lý hình sự.

Thứ năm, chưa có những biện pháp quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra đặc thù phù hợp và chưa có phương tiện hiện đại nhằm kiểm soát giao dịch kinh doanh và chống gian lận thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ.

Kết quả khảo sát được tổng hợp ở biểu đồ trên đã cho thấy rõ quan điểm của những người được khảo sát đối với một số nguyên nhân của thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ đã được nêu trên.

Giải pháp đột phá

Ban hành thêm văn bản pháp lý về quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù

Từ kinh nghiệm của quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh ô tô và xe gắn máy, cần thiết phải có quy định đặc thù nhằm quản lý thuế đối với những lĩnh vực kinh doanh cụ thể đặc thù thuộc lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, đó là các lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, du lịch… Quy định đặc thù này nên được ban hành dưới hình thức một thông tư của Bộ Tài chính để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý trong tổ chức thực hiện.

Xây dựng cơ chế kiểm soát giao dịch đặc thù đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ

Trước hết cần bổ sung quy định pháp luật về cơ chế bắt buộc cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định để cơ quan thuế lắp đặt thiết bị giám sát giao dịch kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế cần xây dựng quy trình và các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để lắp đặt thiết bị điện tử vào phần mềm bán hàng trong máy tính điện tử của cơ sở kinh doanh. Giải pháp này có tác dụng quan trọng ngăn ngừa, phòng chống gian lận thuế bằng hình thức bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai giao dịch doanh thu nhằm trốn thuế của cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể áp dụng đối với đối tượng kinh doanh bán lẻ có quy mô kinh doanh tương đối lớn mà bản thân đối tượng này có nhu cầu cao về kiểm soát nội bộ và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nghĩa là, giải pháp này thích hợp với các siêu thị, siêu thị mini, các cửa hàng kinh doanh bán lẻ lớn, các nhà hàng, khách sạn lớn; Không thể áp dụng cho các cơ sở kinh doanh nhỏ không sử dụng phần mềm quản lý bán hàng trên máy tính điện tử.

Để tổ chức thực hiện tốt giải pháp này, một số vấn đề sau đây cần nghiên cứu kỹ lưỡng:

- Soạn thảo và ban hành Quy trình giám sát giao dịch kinh doanh bằng thiết bị điện tử. Quy định rõ trình tự, thủ tục, cách thức và phương pháp lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát giao dịch kinh doanh. Quy định rõ trách nhiệm chủ trì và phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế trong lắp đặt, bảo trì và sử dụng kết quả của thiết bị giám sát giao dịch kinh doanh.

- Có biện pháp giám sát những người được giao trách nhiệm theo dõi, quản lý thiết bị điện tử giám sát giao dịch kinh doanh để ngăn ngừa khả năng tham nhũng của cán bộ kỹ thuật phụ trách quản lý thiết bị.

- Học hỏi kinh nghiệm của các nước đã triển khai mô hình này trước đó để có biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhất.

- Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật vì chắc chắn đầu tư ban đầu cho giải pháp này là khá tốn kém.

Biên soạn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ quản lý thuế và kiểm tra thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ

Kết quả khảo sát thực hiện năm 2013 về mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ: 19,5% người được hỏi cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ là rất lớn; 47,62% cho rằng mức độ thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ ở mức lớn; 28,57% cho rằng ở mức vừa phải; 4,76% cho rằng ở mức thấp; không ai cho rằng không có thất thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ.
Mỗi lĩnh vực kinh doanh có những đặc điểm riêng biệt. Bởi vậy, hoạt động quản lý thuế với từng lĩnh vực cũng cần có những phương pháp, kỹ năng, thủ thuật đặc thù thì mới quản lý thuế và chống thất thu thuế hiệu quả. Việc biên soạn và lưu hành sổ thay hướng dẫn nghiệp vụ quản lý thuế và kiểm tra thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ nhằm cung cấp cho cán bộ quản lý thuế cẩm nang nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế nói chung và chống thất thu thuế.

Để biên soạn cuốn sổ tay này, cần giao cho trường Nghiệp vụ thuế chủ trì xây dựng đề cương từ đó triển khai tới các cán bộ có kinh nghiệm đã có nhiều năm làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ ở cơ quan thuế địa phương tham gia biên soạn.

Cuốn sổ tay này cần chỉ rõ đặc điểm cụ thể của từng lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cụ thể với những loại đối tượng kinh doanh cụ thể (xét cả trên đặc điểm tổ chức kinh doanh, tính chất sở hữu và quy mô kinh doanh). Cuốn sổ tay này cũng cần chỉ ra các thủ đoạn gian lận chủ yếu ở từng lĩnh vực cụ thể của kinh doanh bán lẻ và những điểm mấu chốt, các kỹ thuật và cách thức phát hiện những gian lận này.

Trong cuốn sổ tay cần tóm lược những quy trình, thủ tục quan trọng mà cán bộ quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ phải tuân thủ; Tóm lược chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh công chức có liên quan đến hoạt động quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ; Liệt kê danh mục các văn bản pháp luật chủ yếu có liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ để cán bộ thuế tra cứu khi cần thiết.

Hàng năm, cần cập nhật những thủ đoạn gian lận mới được phát hiện qua công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế vào cuốn sổ tay này để đảm bảo cuốn sổ tay luôn là tài liệu hữu ích thực sự giúp công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ.

Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ cơ quan thuế và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công chức thuế

Do một bộ phận công chức thuế có phẩm chất chưa cao, bởi vậy, công tác kiểm tra nội bộ hệ thống và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm là rất quan trọng. Cụ thể:

- Giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng từng năm, từng quý, từng tháng cho bộ phận kiểm tra nội bộ của mỗi cơ quan thuế.

- Khi công chức thuế có vi phạm bị quần chúng tố giác hoặc bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khác phát hiện xử lý mà bộ phận kiểm tra nội bộ tại nơi công tác của công chức đó không phát hiện ra thì phải xem xét quy kết trách nhiệm của bộ phận kiểm tra nội bộ đó.

Đầu tư thích đáng hơn nữa cho cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý thuế

Trong quản lý thuế nói chung và chống thất thu thuế nói riêng, trang bị cơ sở vật chất có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc trang bị máy tính hiện đại, phần mềm quản lý tiên tiến sẽ giúp công chức thuế lưu giữ và xử lý thông tin chính xác và kịp thời phục vụ cho hoạt động quản lý thuế. Đặc biệt, trong giải pháp về kiểm soát giao dịch của NNT nêu trên, đòi hỏi cơ quan thuế phải có thiết bị điện tử lắp đặt tại máy tính bán hàng của NNT và phải có các thiết bị theo dõi, giám sát hoạt động của thiết bị điện tử này. Đồng thời, phải có các thiết bị hỗ trợ khác để đọc và giải mã các thông tin mà chíp điện tử ghi nhận được từ phần mềm bán hàng của NNT. Với số lượng không nhỏ NNT cần được giám sát thì rõ ràng cần một sự đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất. Dù khá tốn kém, song hiệu quả mang lại từ sự đầu tư này chắc chắn là rất xứng đáng do khả năng chống gian lận qua che giấu doanh thu rất lớn.

Nâng cao đời sống cho công chức thuế

Để có thể đáp ứng tốt hoạt động quản lý thuế nói chung và chống thất thu thuế nói riêng thì yêu cầu đối với cán bộ làm công tác này rất cao, cả về trình độ chuyên môn lẫn các kỹ năng khác. Một yêu cầu chính đáng của người lao động nói chung và cán bộ, công chức nói riêng là họ phải được hưởng thù lao xứng đáng với tài năng và sự cống hiến của họ. Bởi vậy, cần nghiên cứu và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để công chức thuế yên tâm công tác và tận tâm, tận lực cống hiến tài năng và sức lực cho công việc, chủ động, sáng tạo trong công tác. Đây là một bài toán thực sự khó khăn đối với các nhà quản lý vì có quá nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan đến vấn đề tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức nói chung, chứ không riêng gì công chức thuế. Những vấn đề đó chính là sự hạn hẹp của ngân sách nhà nước, sự tồn đọng của một lực lượng cán bộ, viên chức đã được tuyển dụng trước đây không còn đáp ứng yêu cầu hiện tại nhưng không thể cho thôi việc, số lượng cán bộ, công chức quá nhiều, nơi thừa vẫn thừa mà nơi thiếu vẫn thiếu…

Trước bài toán đó, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao và lộ trình phù hợp. Chẳng hạn như, trước mắt, có cơ chế mở để trả lương, gắn tiền lương với chất lượng công tác chống thất thu thuế, hoặc thực hiện cơ chế khoán theo kết quả chống thất thu thuế; hoặc thực hiện cơ chế thưởng phù hợp gắn với số lượng và chất lượng công tác chống thất thu thuế… Về lâu dài, cần thực hiện tinh giản biên chế làm cơ sở tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Xuân Trường (Chủ nhiệm): Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, Học viện Tài chính, 2014;

2. Tổng cục Thuế: Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2010 và 5 năm 2006 – 2010; Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2013.

Giải pháp đột phá chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ

PGS, TS. LÊ XUÂN TRƯỜNG, ThS. NGUYỄN HOÀNG TUẤN

(Tài chính) Chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ khó khăn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực kinh doanh khác do có những đặc thù riêng. Để hoạt động chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, cần phải áp dụng những giải pháp đột phá nhằm thẳng vào những mắt xích quan trọng nhất của lĩnh vực kinh doanh này.

Xem thêm

Video nổi bật