Giải quyết tranh chấp xây dựng cây xăng giữa 2 doanh nghiệp tại Bình Định: Quy trình tố tụng có vấn đề (?!)

Theo Pháp Lý

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi quyền sở hữu chưa được xác lập, không ai có quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này giao kết dân sự (nếu có) phải bị vô hiệu vì nội dung trái với pháp luật.

Giải quyết tranh chấp xây dựng cây xăng giữa 2 doanh nghiệp tại Bình Định: Quy trình tố tụng có vấn đề (?!)
Đơn khởi kiện của Bà Nguyễn Thị Bích Hường – đại diện DNTN TM Trung Hường

Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa 2 doanh nghiệp xảy ra tại Bình Định có điều kiện tương tự, thế nhưng Hội đồng xét xử 2 cấp đều xác định đó là quan hệ pháp luật “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” để buộc bị đơn là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Kiệt phải có trách nhiệm chuyển nhượng tài sản cho nguyên đơn DNTN Thương mại Trung Hường…

Thực hư Bảng thỏa thuận?

Đại diện ủy quyền pháp luật DNTN Thương mại Trung Hường, ông Lương Văn Trung trình bày trước phiên tòa: Ngày 26/7/2007, DNTN Tuấn Kiệt – do ông Huỳnh Văn Chín làm đại diện đã thương lượng cùng với vợ chồng ông lập Bảng thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ thủ tục tài sản gắn liền với đất (cửa hàng xăng dầu tọa lạc tại thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đang hình thành dở dang, giá chuyển nhượng 200 triệu đồng.

Theo đó, kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận, DNTN Tuấn Kiệt chấm dứt mọi quyền lợi có liên quan đến dự án; đồng thời có trách nhiệm sang tên quyền sử dụng toàn bộ thửa đất cho vợ chồng ông Trung, sau khi hoàn tất các thủ tục đền bù giải tỏa, đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu.

Trong khi đó trước tòa, ông Huỳnh Văn Chín quả quyết đó là Bảng thỏa thuận giả mạo. Ông Chín trình bày, do khả năng tài chính có hạn, sau khi được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận địa điểm để đầu tư xây dựng cây xăng tại địa điểm trên, được biết vợ chồng ông Trung (chỗ thân quen từ trước) có nhu cầu nên ông đã hợp tác cùng kinh doanh.

Về lý do Bảng thỏa thuận có chữ ký và con dấu thật của DNTN Tuấn Kiệt, ông Chín giải thích: Do bận rộn công việc nên ông đã ủy quyền cho ông Trung đi Hà Nội để xin phép cơ quan có chức năng đấu nối mặt bằng cây xăng vào Quốc lộ 1A. Để chủ động trong giải quyết công việc, theo đề nghị của ông Trung, ông đã chấp nhận ký khống và chụp dấu DN Tuấn Kiệt vào tờ giấy A4 chừa trống. “Không ngờ lợi dụng sự sơ hở này của tôi, ông Trung đã đổi trắng thay đen tự dựng nên Bảng thỏa thuận rồi khởi kiện hòng chiếm đoạt trắng trợn tài sản của vợ chồng tôi”, ông Chín bức xúc.

Những dấu hiệu bất thường trong Bảng thỏa thuận, theo ông Chín: phông chữ và co chữ hoàn toàn khác biệt trong máy tính còn lưu giữ tại DNTN Tuấn Kiệt; không có dấu giáp lai; giấy chứng nhận ĐKKD của DNTN Tuấn Kiệt được cơ quan có thẩm quyền cấp lần đầu vào ngày 28/8/2001 và đăng ký thay đổi lần 2 vào ngày 21/4/2005, trong khi đó Bảng thỏa thuận lại ghi lần 1 vào ngày 22/4/2002 và lần 2 vào ngày 28/8/2009; đặc biệt là giá trị chuyển nhượng quá thấp chỉ 200 triệu đồng (trong khi giá thị trường tại thời điểm không dưới 01 tỷ đồng); tại đơn khởi kiện và Bản thỏa thuận ông Trung cho biết đã chuyển trả đủ số tiền chuyển nhượng thủ tục cho DNTN Tuấn Kiệt nhưng lại không có chứng từ nào để chứng minh…

Quy trình tố tụng có vấn đề (?)

Lấy lý do quyền lợi bị xâm hại, ngày 10/11/2011, bà Nguyễn Thị Bích Hường – đại diện DNTN Thương mại Trung Hường chính thức gửi đơn khởi kiện DNTN Tuấn Kiệt. Theo đó, trong đơn khởi kiện bà Hường yêu cầu TAND tỉnh Bình Định thụ lý xem xét buộc DNTN Tuấn Kiệt phải có trách nhiệm sang tên, chuyển nhượng lô đất có diện tích 812m2 tọa lạc tại thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước cho DNTN Thương mại Trung Hường.

Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

“Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật”.

Điều 198, Bộ luật Dân sự

Theo ý kiến của một chuyên gia pháp luật khi được Phóng viên tham vấn bình luận về vụ việc cho biết: Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự là không được trái với pháp luật, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật. Tuy nhiên tại thời điểm thiết lập Bản thỏa thuận (26/7/2007), DNTN Tuấn Kiệt chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và công trình xây dựng còn dở dang nên quyền sở hữu tài sản cũng chưa được xác lập; ngay cả ông Lương Văn Trung (đại diện bên nhận chuyển nhượng) khi ký Bản thỏa thuận cũng thừa nhận chỉ mới dừng lại ở bước “chủ trương”.

Quyền sở hữu chưa được hình thành, do đó DNTN Tuấn Kiệt chưa có quyền định đoạt để thực hiện việc chuyển nhượng tài sản có trên đất hay chuyển nhượng QSDĐ cho vợ chồng ông Trung theo đơn khởi kiện. Hay nói cách khác, Bản thỏa thuận đã bị vô hiệu ngay từ khi phát sinh (theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự), vì nội dung thỏa thuận trái với pháp luật. Từ đó cho thấy việc xác định quan hệ pháp luật đối với vụ án là tranh chấp về “hợp đồng chuyển nhượng tài sản” như bản án sơ thẩm và phúc thẩm nhận định là không đúng với bản chất vụ việc.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, theo quy định tại khoản 2, Điều 137 Bộ luật Dân sự “thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trong trường hợp này, DNTN Tuấn Kiệt đương nhiên vẫn là người đại diện pháp luật để thực hiện dự án và DN này chưa hề có đơn xin trả lại đất cấp.

Do đó không có căn cứ pháp luật để Tòa phúc thẩm công nhận tài sản xây dựng trên 2 lô đất số 411 và số 414 là tài sản của vợ chồng ông Trung và cũng không có căn cứ để Tòa kiến nghị UBND tỉnh Bình Định thu hồi 02 giấy chứng nhận QSDĐ của DNTN Tuấn Kiệt.

Khoản 1, Điều 5, Bộ luật TTDS quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Trong vụ án này, nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết trong phạm vi lô đất có diện tích 812 m2; thế nhưng cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại “linh động” vượt quá mong đợi của nguyên đơn: Công nhận tài sản xây dựng trên 02 thửa đất nói trên, có tổng diện tích 3.925,8m2 (tọa lạc tại thôn Trung Thành, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định) thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Trung, bà Hường và nhập vào DNTN Thương mại Trung Hường…

Xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” nhưng cấp sơ thẩm và cả phúc thẩm đều không tiến hành thủ tục định giá tài sản tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó cấp sơ thẩm lại yêu cầu DNTN Tuấn Kiệt phải nộp tiền án phí 10 triệu đồng. Vậy cơ sở nào để áp giá tính phí, nếu căn cứ vào giá trị của Bảng thoả thuận 200 triệu đồng thì không ổn, bởi tại thời điểm này đất và tài sản trên đất chưa hình thành, DNTN Tuấn Kiệt chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì không có căn cứ xác định giá trị (?)

Có quá nhiều bất cập và nghi vấn đặt ra trong quá trình thụ lý và xét xử của 2 cấp tòa rất cần được làm sáng tỏ? Đó cũng chính là sự bức xúc của DNTN Tuấn Kiệt đang khiếu nại lên giám đốc thẩm để mong được xem xét.