Giảm chi phí đóng thuế cho doanh nghiệp

Theo Báo Đầu tư

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Vũ Văn Trường cho biết, Thông tư 123/2012/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 10/9/2012) bổ sung nhiều khoản chi vào chi phí hợp lý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí đóng thuế.

Giảm chi phí đóng thuế cho doanh nghiệp
Thưa ông, theo quy định mới, những khoản chi cơ bản nào được coi là hợp lý?

Theo quy định cũ, hàng hoá bị hư hỏng (do hết hạn sử dụng, do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên…) thì chỉ được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế; phần hàng hoá bị hư hỏng vượt quá định mức (do DN tự xây dựng) cũng không được trừ. Hay như, để phục vụ người lao động, cùng với việc xây dựng nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, cơ sở đào tạo, dạy nghề..., thì DN còn phải mua sắm, trang bị thiết bị, nội thất, nhưng trước đây, không cho tính khấu hao để tính vào chi phí được trừ đối với trang thiết bị, nội thất. Tương tự, nhằm hỗ trợ người lao động, nhiều DN đã mua bảo hiểm nhân thọ nhưng khoản tiền mua bảo hiểm không được coi là chi phí tiền lương nên DN cũng không được trừ khi xác định thuế TNDN…

Để khắc phục những hạn chế trên, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, kể từ ngày 10/9/2012, toàn bộ hàng hoá bị hư hỏng (do thay đổi sinh hoá tự nhiên không được bồi thường); trang bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca… và chi phí mua bảo hiểm nhân thọ được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế tài chính của DN đều được coi là chi phí hợp lý.

Còn nhiều khoản chi nào khác nay được coi là hợp  lý?

Nhiều khoản mà DN thực tế phải chi để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, có hoá đơn, chứng từ, nhưng do trước đây không quy định, nên trong nhiều trường hợp không được giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Ví dụ, trong kinh doanh, ngoài đầu tư tài sản cố định, DN còn phải mua công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển… không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định, nên trước đây không được tính khấu hao.

DN mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác, nhưng chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) lại chưa được quy định cụ thể, nên khoản chi phí cũng không được coi là hợp lý.

Những bất hợp lý trên nay sẽ được xử lý bằng việc quy định cụ thể, chi phí mua công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển… được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh; vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay đều được coi là chứng từ hợp lệ và DN được giảm trừ chi phí mua vé máy bay khi xác định thu nhập chịu thuế.

Ngoài việc quy định cụ thể, chi tiết các khoản chi phí được trừ, thì việc xác định chi phí không được trừ cũng sẽ phải minh bạch, thưa ông?

Không chỉ minh bạch, mà còn bảo đảm sự công bằng. Trước đây, hàng năm, công ty con của tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu phải đóng góp chi phí quản lý cho công ty mẹ hay đóng góp cho cơ quan chủ quản, thì khoản chi phí này được trừ khi xác định thuế TNDN. Song việc các DN khác nếu có khoản chi này lại không được trừ là không công bằng. Để bảo đảm công bằng, khoản chi phí này sẽ không được coi là hợp lý.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thống kê cụ thể chi phí không được trừ, gồm khoản trích lập Quỹ Dự phòng trợ cấp mất việc làm; các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết; thuế giá trị gia tăng đối với ô tô (từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có giá trị từ 1,6 tỷ đồng trở lên)…

Để tạo điều kiện cho DN, ngoài việc mở rộng chi phí hợp lý, Bộ Tài chính có quy định cụ thể đối tượng được miễn thuế?

Ngoài các khoản thu nhập được miễn thuế theo quy định cũ, DN được miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng Chứng chỉ giảm phát thải (CER). Việc miễn thuế đối với thu nhập chuyển nhượng CER sẽ khuyến khích DN thực hiện dự án đầu tư bằng công nghệ mới, thân thiện với môi trường (để được cấp CER).