Giảm chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh
Các chuyên gia nhận định, mặc dù đạt tăng trưởng xuất khẩu cao trong những năm qua nhưng giá trị xuất khẩu mang lại không như mong muốn. Thách thức đặt ra đối với Việt Nam là năng lực cạnh tranh thương mại còn yếu, thể hiện ở chỗ chuỗi cung ứng hàng hóa chưa tạo giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ thấp, thủ tục quy định về thương mại biên giới và đặc biệt là hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics (dịch vụ giao nhận hàng hóa) chưa được quan tâm.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, việc nâng cao các dịch vụ, kết cấu hạ tầng và thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu các ngành mũi nhọn của Việt Nam. Việt Nam cần phải có giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng ra thế giới, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có giá trị kinh tế cao hơn. Để làm được điều này thì cần cải cách thể chế ở cấp vĩ mô, tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời tăng cạnh tranh với các quốc gia khác.
Sự hội nhập kinh tế quốc tế mang đến cơ hội xuất khẩu nhưng cũng mang đến thách thức cho Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách tập trung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thị trường hàng hóa chưa đa dạng đòi hỏi cần có cách thức mới để tạo năng lực cạnh tranh thương mại toàn cầu cho hàng hóa Việt Nam. Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Phạm Minh Đức cho biết, ba trụ cột trong tạo cạnh tranh thì đầu tiên là hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics, thứ hai liên quan đến cơ chế về quản lý thương mại biên giới, các quy định, pháp luật và các cơ quan liên quan và thứ ba là liên quan đến chuỗi cung ứng công nghiệp và nông nghiệp là các doanh nghiệp, đơn vị chủ quản liên quan đến chuỗi logistics.
Dịch vụ logistics bao gồm các dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc dỡ… Ở một số nước trên thế giới như Singapore, chi phí logistics chỉ chiếm 12 - 15%, nhưng ở Việt Nam con số này lên tới 20% tổng chi phí/đơn vị hàng hóa xuất khẩu, nguồn nhân lực cho dịch vụ logistics cũng thiếu, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Đông Nam Á Đỗ Xuân Quang cho biết, cần cải thiện hạ tầng kỹ thuật kết nối về logistics như xây cảng phải có kho bãi, kết hợp khu công nghiệp, hạn chế trong chuỗi cung ứng và bảo đảm thời gian giao hàng. Quy định của Nhà nước hiện nay chưa đầy đủ, chủ yếu dựa trên Luật Thương mại là chưa đủ để điều hành một ngành mà chiếm tới gần 20% GDP.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã đạt được các thành tựu kinh tế ấn tượng từ sau đổi mới nhưng ngày càng có nhiều khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, khi mà thuế quan đã giảm; khung pháp lý cho các dòng thương mại qua biên giới hay việc phối hợp chặt chẽ với hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics rất ít được quan tâm.
Việt Nam cần một chiến lược có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao và công nghiệp hóa từng bước nền kinh tế. Đó là nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao dịch vụ kết cấu hạ tầng giao thông và logistics để giúp tăng trưởng trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi thể chế mạnh và nguồn nhân lực đầy đủ. Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và logistics sẽ mang lại kết quả nhanh, bằng cách cải thiện hạ tầng và dịch vụ thương mại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nếu được thực hiện theo một khuôn khổ chính sách chung và nhất quán sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp hóa đất nước thông qua chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghệ cao hơn.