Giảm lãi suất huy động: Không đáng lo việc dân rút tiền mua "đô"
(Tài chính) Có một số ý kiến băn khoăn rằng, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam có thể sẽ khiến người gửi chuyển hướng sang gửi bằng đồng đô la Mỹ...
Một lần nữa, NHNN lại yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm và áp lãi suất cho vay trung dài hạn tối đa 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Còn các khoản vay ngắn hạn hiện đã áp trần tối đa 7%/năm (so với mức 8%/năm). Quyết định này nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại và đang là tín hiệu tích cực góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng.
Giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp
Dù lường trước được việc giảm lãi suất cho vay sẽ dẫn đến giảm lợi nhuận, nhưng các ngân hàng đều sẵn sàng đồng thuận trước quyết định của NHNN.
"Với mức giảm như vậy, chắc chắn lợi nhuận của các ngân hàng thương mại sẽ giảm nhưng chúng tôi sẵn sàng tiết giảm chi phí thường xuyên để đạt mục tiêu lợi nhuận và chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp", bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ.
Ông Nguyễn Danh Lương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, từ khi chưa có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã xác định là trụ cột cho NHNN hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với tín dụng ngắn hạn, Vietcombank sẽ thực hiện theo đúng định hướng của NHNN, đảm bảo cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên giảm về 7%/năm; tín dụng trung và dài hạn sẽ cam kết thực hiện dưới 10%/năm. Ngân hàng sẽ cố gắng đảm bảo được các chỉ tiêu đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa.
Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho hay: Để chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp, khuyến khích tăng trưởng dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên, từ đầu năm Agribank đã thực hiện 7 đợt giảm lãi suất cho vay, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ. Hiện nay, Agribank tiếp tục dành lượng vốn khoảng 40.000 – 50.000 tỷ đồng để khuyến khích cho vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên; trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Trong khi đó, các khoản huy động vốn kỳ hạn dài, lãi suất cao còn số dư khá lớn dẫn tới lãi suất huy động bình quân của Agribank còn khá cao, chưa giảm ngay như lãi suất cho vay, điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của Agribank. Từ đầu năm, theo thống kê, tính riêng việc giảm lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn làm giảm lợi nhuận của Agribank khoảng 2.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Lý giải trước nhiều ý kiến cho rằng chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn còn cao, bà Bùi Như Ý cho biết, hiện chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra của ngân hàng chỉ xoay quanh từ 2-2,5%.
“Ngân hàng huy động 10 đồng thì không thể sử dụng hết 10 đồng đó để cho vay được, mà còn phải dành lại một lượng vốn cho dự trữ thanh khoản. Ngay cả khoản cho vay ra cũng phải trang trải chi phí… Nếu ngân hàng hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc giảm lãi cho vay trung dài hạn về thấp hơn nữa, thì mức chênh lệch này sẽ giảm đi”, bà Ý phân tích.
TS. Trần Du Lịch nhận định, việc NHNN kêu gọi giảm lãi suất cho vay là đáng mừng. Đặc biệt, việc giảm lãi suất trung hạn là rất cần thiết để kích thích và giúp doanh nghiệp tái đầu tư. Nếu tiếp tục duy trì mức lãi suất trung hạn trên 10% thì sẽ không kích thích được doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, biện pháp giảm lãi suất NHNN là đúng nhưng vẫn còn dè dặt vì còn lo ngại ảnh hưởng đến lạm phát tiền tệ.
Giải đáp về việc các ngân hàng thương mại (NHTM) khác có đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nói trên không, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các NHTM sẽ tự cân đối hài hòa lợi ích, dựa trên tình hình tài chính của mình, đồng thời đảm bảo hiệu quả đồng vốn cũng như đóng góp vào ngân sách, trên cơ sở phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và quốc tế để có sự cân nhắc giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay.
Cần giảm thêm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác
Cùng với quyết định yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên, nhà điều hành cũng điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Theo đó, từ ngày 29/10, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn được điều chỉnh giảm xuống còn 5,5%.
Việc NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn cũng đang được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng nhìn nhau giảm bớt chi phí huy động, tạo điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ngoài ưu tiên. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tương tác này sẽ có độ trễ nhất định.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây là tín hiệu tích cực, được kỳ vọng giảm áp lực vay cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng. Vấn đề quan trọng đối với giảm lãi suất đầu vào là kéo mức cho vay xuống, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc thù các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn vốn vay khá lớn, vì vậy, nếu giảm khoảng 0,5% lãi vay là có thể giúp doanh nghiệp giảm được khoản chi phí rất đáng kể.
Ngoài ra, những doanh nghiệp nào còn chần chừ chưa muốn vay trước đó, khi chứng kiến lãi suất giảm sẽ kích thích họ vay vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc NHNN hạ trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam có thể sẽ khiến người gửi chuyển hướng sang gửi bằng đồng đô la Mỹ.
Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Agribank nhận định: hiện nay, mức lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ rất thấp, tối đa 0,25% đối với khách hàng là tổ chức và 0,75% đối với khách hàng là cá nhân. Cho dù tỷ giá có được điều chỉnh tăng 1 – 2% thì mức lợi nhuận cũng không bằng mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Vì vậy, tỷ lệ khách hàng chuyển sang tiền gửi bằng đồng đô la Mỹ là rất thấp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, việc hạ trần lãi suất ngắn hạn có thể tác động đến chính sách tỷ giá. Bởi khi lãi suất giảm xuống, người dân có thể rút tiền ra mua USD. Tuy nhiên, khả năng hút vốn của kênh này không cao vì đôla Mỹ hiện nay ít biến động, khả năng sinh lời thấp. Trường hợp, nếu vì hạ lãi suất huy động khiến giá USD bị ảnh hưởng thì NHNN vẫn đủ nguồn lực để can thiệp nên không đáng lo.
Nhận định về tình hình thị trường tiền tệ 10 tháng qua, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, đến ngày 24/10/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động VND tăng 13,17% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa; lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.