Gian nan chặn "thao túng" giá
(Tài chính) Không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) đã phải cay đắng vì bị thiệt hại nặng nề từ hoạt động "làm giá", "thao túng" giá cổ phiếu. Trong khi đó, công việc giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm lại vô cùng khó khăn!
Đã từng có một số mã chứng khoán làm "điên đảo" các NĐT với những phiên giao dịch có khối lượng khủng, chiếm tới 50% lượng cổ phiếu lưu hành. Giá cổ phiếu liên tục tăng cao, khiến các NĐT hoài nghi có hoạt động "làm giá" chứng khoán đối với những "siêu cổ phiếu" này. Dĩ nhiên, những giao dịch bất thường như vậy không thể qua mặt cơ quan quản lý.
Chuyện "soi" cổ phiếu nghi vấn
Được biết, hai Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Tp.Hà Nội (HNX) đều có Bộ tiêu chí giám sát, được Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) phê duyệt để đảm bảo hoạt động thị trường công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trong đó, HOSE đã xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát và các tham số cảnh báo các giao dịch bất thường, để kịp thời báo cáo lên UBCKNN có biện pháp xử lý những trường hợp thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián…
Tại HNX, ngoài bộ tiêu chí chung thì sở cũng xây dựng những tiêu chí giám sát riêng. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HNX, cho biết: "Khi thị trường thay đổi thì Bộ tiêu chí giám sát sẽ thay đổi theo và điều này cũng là theo thông lệ quốc tế. Tại HNX, những biến động bất thường về khối lượng, giá, tần suất giao dịch chứng khoán… đều được giám sát theo quy định trong Bộ tiêu chí giám sát".
Từ những thông tin cảnh báo của hai Sở, UBCKNN đã tiến hành xử lý các doanh nghiệp, NĐT vi phạm và công khai trên website hàng ngày. Với những trường hợp đang ở diện "nghi ngờ" thì sẽ tiếp tục theo dõi. Nhưng nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm rõ ràng thì UBCKNN sẽ đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra.
Trong 10 năm qua, TTCK Việt Nam mới chỉ ghi nhận vài vụ vi phạm "thao túng" giá chứng khoán. Điển hình nhất là năm 2011, lãnh đạo Công ty CP Dược Viễn Đông (mã: DVD) đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu công ty Dược Hà Tây (mã: DHT). Bằng cách thông qua em trai mở 11 tài khoản giao dịch cổ phiếu và giao cho 9 tài khoản không thời hạn, nhóm NĐT này đã gây thiệt hại cho các NĐT và công ty Dược Hà Tây. Vụ việc này đã gây chấn động thị trường và giảm sút niềm tin của NĐT khi đó.
So với thời kỳ sơ khai, hoạt động giám sát TTCK thời gian qua đã có cải thiện đáng kể về hệ thống, hoàn thiện quy định, con người… Hiện, UBCKNN đã thành lập Vụ giám sát chuyên thực hiện chức năng giám sát các vi phạm trên TTCK.
Trong vai trò là "giám sát tuyến 1", tức là phát hiện ban đầu các vi phạm và báo cáo lên UBCKNN, hai sở giao dịch HNX và HOSE đã giúp cơ quan quản lý phát hiện, ngăn chặn và xử phạt kịp thời các hành vi "làm giá", "thao túng" giá cổ phiếu.
Đơn cử, khi mã cổ phiếu tăng giá trần hoặc giảm sàn từ 10 phiên liên tiếp trở lên, các Sở phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình nguyên nhân và báo cáo UBCKNN. Căn cứ tiêu chí giám sát của Sở, nếu phát hiện giao dịch có vi phạm thì sẽ "soi" kỹ lịch sử giao dịch trước và sau.
"Ngoài theo dõi những bất thường về khối lượng, giá cổ phiếu, công tác giám sát của hai Sở còn phải xem xét cả tình hình tài chính doanh nghiệp, việc công bố thông tin tức thời… để xác định mức độ của những giao dịch nghi vấn, giao dịch bất thường và thực hiện báo cáo lên UBCKNN"- ông Dũng nói.
Hơn thế, quy trình giám sát cũng được các Sở sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, bổ sung nhiều tiêu chí giám sát để tăng hiệu quả. Nhất là các trường hợp NĐT tìm cách "né" các tiêu chí giám sát. Từ đó, quyết định xử phạt mới khiến người vi phạm "tâm phục, khẩu phục".
Trao thẩm quyền điều tra?
Thời gian qua, TTCK đã xuất hiện một số thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến các mã cổ phiếu đáng chú ý. Chỉ một tin đồn chủ tịch HĐQT ngân hàng lớn bị bắt giam, hay một cổ đông nước ngoài rút vốn… đã làm NĐT hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu. Ngược lại, những "đội lái" chuyên nghiệp đã tạo ra những giao dịch ảo với khối lượng lớn, đẩy giá cổ phiếu tăng chóng mặt…
Do đó, vai trò phối hợp giám sát của các Sở giao dịch chứng khoán rất quan trọng, nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT và lành mạnh thị trường. Nhưng, đây thực sự là "cuộc chiến" trường kỳ và đầy gian nan với nhà quản lý.
Có thể thấy, một hạn chế lớn của UBCKNN là không có thẩm quyền điều tra dân sự, dẫn tới thực tế, NĐT vi phạm không sợ, không hợp tác với cơ quan quản lý và không ký biên bản làm việc… Trong đề xuất mới đây của UBCKNN, cơ quan này cũng kiến nghị UBCKNN cần có thẩm quyền điều tra như các cơ quan thuế, hải quan.
Hạn chế này cũng khiến người vi phạm "nhờn" không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCKNN. Vậy có nên trao thẩm quyền điều tra dân sự cho UBCKNN để buộc đối tượng vi phạm phải hợp tác hay chuyển hết các trường hợp vi phạm sang cơ quan điều tra như hiện nay?
Trên thực tế, UBCK của một số nước trong khu vực đã được trao thẩm quyền điều tra dân sự trong lĩnh vực chứng khoán.