“Gian nan” chinh phục ngưỡng tâm lý 1.200 điểm

Minh Lâm

Ngưỡng cản tâm lý thường không dễ để chinh phục, thậm chí phải mất nhiều lần điều chỉnh mạnh, VN-Index mới có thể vượt qua được và xác định xu hướng rõ ràng.

16 năm vẫn chưa “thoát” khỏi vùng tâm lý 1.200 điểm

Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán trong quá khứ, các số liệu đã chứng minh rằng, ngưỡng tâm lý chưa bao giờ dễ dàng để chinh phục. Giai đoạn 2009-2015, VN-Index phải mất 5 lần chinh phục ngưỡng cản 600 điểm. Từ năm 2018 đến năm 2020, mốc 1.000 điểm đã “thử thách” VN-Index cùng sự kiên nhẫn của nhà đầu tư tới 7 lần.

Với ngưỡng 1.200 điểm, đến nay, VN-Index đã có hàng chục lần chạm, vượt rồi lại xuyên thủng ngưỡng cản này.

VN-Index vẫn chưa thực sự thoát khỏi ngưỡng cản 1.200 điểm sau 16 năm
VN-Index vẫn chưa thực sự thoát khỏi ngưỡng cản 1.200 điểm sau 16 năm

VN-Index lần đầu tiên chinh phục được mốc 1.200 điểm là vào năm 2007. Mãi tận hơn 10 năm sau, VN-Index mới quay lại chạm mốc này vào phiên 9/4/2018. Nhưng không lâu sau đó thị trường lại bị điều chỉnh kéo dài, lùi về dưới 1.000 điểm.

Đến năm 2021, sự hưng phấn của dòng tiền trong nước đã kéo thị trường vượt mốc 1.200 điểm và thẳng tiến đến 1.498,28 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng 1 năm, rồi lao dốc từ cuối năm 2022.

Phải đến tận tháng 7/2023, VN-Index mới lần nữa chinh phục thành công ngưỡng cản 1.200 điểm.  Trong vòng vài tháng qua, VN-Index có không ít lần chạm, thậm chí vượt lên 1.240 điểm nhưng vẫn đế mất mốc 1.200 điểm.

Nhiều bản tin phân tích của các công ty chứng khoán, các chuyên gia tư vấn độc lập... đều hay nói rằng mốc 1.200 điểm mang tính kháng cự và để thị trường thuyết phục được nhà đầu tư, VN-Index cần đột phá thành công lên trên ngưỡng này.

Đáng chú ý, trong những nhịp rung lắc, xả hàng vừa qua, nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực chủ yếu đên VN-Index, khiển chỉ số đánh mất mốc 1.200 điểm, là các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu. Những mã này biến động không quá nhiều, nhưng lại ở thời điểm mà lên xuống 1-3% giá trị cũng tạo ra 2-3 điểm tăng giảm. VIC là điển hình nhất khi giảm tới 33% trong vòng 1 tháng, từ mức giá cao 75.600 đồng/cp tại phiên 16/8 giảm xuống 50.600 đồng/cp phiên giao dịch 22/9.

Khi nhìn từ góc độ một xu hướng thì biến động vài phiên của các mã vốn hóa lớn bị trung hòa ở mức độ nhất định, nhưng từng thời điểm thì ảnh hưởng lại nổi bật. Khi hiểu được điều này thì việc VN-Index chưa vượt được mốc 1.200 điểm trong những phiên gần đây đơn thuần là do một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngăn cản. Đó không phải là hiện tượng mang tính đại diện.

Hành động gì khi thị trường điều chỉnh mạnh?

Việc VN-Index giằng co rung lắc quanh vùng 1.200-1.210 điểm là điều dễ hiểu nhưng phiên giao dịch hôm nay (22/9) không được tốt khi điều chỉnh vol lớn và sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong các phiên tới.

Điều xấu hơn cả là VN-Index xuất hiện phiên phân phối thứ 5 và cũng là phiên trở mặt của khá nhiều cổ phiếu tỏ ra mạnh mẽ trước đó, đặc biệt là chứng khoán, đây là nhóm có thể sẽ hình thành mẫu hình 2 đỉnh và dễ bước vào giai đoạn điều chỉnh - tích lũy sắp tới.

Thêm vào đó, thông tin xấu càng làm cái cớ để thị trường giảm điểm mạnh thủng mốc 1.200 điểm. Đó là chứng khoán thế giới điều chỉnh sau khi Fed giữ mặt bằng lãi suất cao để kiềm chế lạm phát. Trong nước thì Ngân hàng nhà nước bắt đầu thu tiền về để ổn định tỉ giá.

Bối cảnh này làm dấy lên tin đồn dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn của các công ty chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty chứng khoán sẽ phải siết lại marign (ký quỹ), tạo áp lực bán lên thị trường. Mặt khác, tỷ giá neo cao, chỉ số DXY cao khiến khối ngoại liên tục bán ròng. Trong thì siết, ngoài thì rút khiến cầu sẽ bị hẹp lại trong khi cung lại quá lớn.

Theo các chuyên gia chứng khoán, khi thị trường biến động, tin đồn luôn là gia vị không thể thiếu. Nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn vì tin tức. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào danh mục cổ phiếu và kế hoạch hành động đã đặt ra, tuân thủ điểm cắt lỗ và có mốc chốt lời một cách kỷ luật.

Trong lần xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm lần này cùng vol. lớn, áp lực lên thị trường chắc chắn vẫn còn. Điều nhà đầu tư cần làm là quản trị danh mục, triệt để thực hiện các quy tắc bán. Trong trường hợp thị trường kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1.200, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường sẽ bật lên trở lại.

Nhà đầu tư cầm “full hàng” cần hạ phần margin trước, tránh để tài khoản rơi vào trạng thái khó xử lý. Với những nhà đầu tư đang cầm tiền thì chờ tín hiệu, điểm mua phù hợp để thu lãi trong quý IV/2023.