Gian nan đưa hàng vào siêu thị: Nhà bán lẻ nước ngoài “đè” doanh nghiệp Việt

Theo Báo Công Thương

Bà Lương Thị Thu Thảo - Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hiệp Phát A&B tại TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, hợp tác với các hệ thống siêu thị nước ngoài tốn khá nhiều chi phí như: Phí mở mã hàng, thanh toán chậm, đổi trả hàng hóa... “Vào BigC tốn 3 triệu để mở một mã hàng, trong khi công ty của tôi có rất nhiều sản phẩm. Chỉ riêng việc thanh toán chậm và đổi trả hàng thì chắc chắn là mình lỗ vốn rồi!” - bà Thảo than thở. Trong khi đó, các sản phẩm nước giải khát và đồ uống có cồn của Hiệp Phát A&B vẫn kinh doanh tốt tại các hệ thống siêu thị Coop Mart, Maximart... trên toàn quốc.

Gian nan đưa hàng vào siêu thị: Nhà bán lẻ nước ngoài “đè” doanh nghiệp Việt
Để đưa hàng vào Metro, DN Việt phải chịu rất nhiều loại phí

Đồng quan điểm với bà Thảo, ông Đ. từng là trưởng phòng marketing cho một doanh nghiệp (DN) lớn về thời trang thừa nhận: Đưa hàng vào hệ thống Parkson Việt Nam gặp rất nhiều rào cản về chi phí. Vào những dịp sinh nhật của mỗi trung tâm thương mại Parkson, hoặc nhân dịp hệ thống Parkson Việt Nam tổ chức khuyến mãi lớn, công ty của ông Đ. đều được thông báo khoản hỗ trợ tùy theo số lượng sản phẩm và ngành hàng, thường thì trên 1.000 USD cho mỗi trung tâm thương mại Parkson. Nhân dịp này, các DN cũng được khuyến khích giảm giá sản phẩm, ít nhất là 20%, thậm chí đến 50%.

Ông L. - Tổng giám đốc một DN chuyên kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng tại TP. Hồ Chí Minh bức xúc: “DN Việt đang tự bơi, tự kêu gào với chính mình vì các loại phí”. Ông L. bức xúc khi các sản phẩm của DN ông phải đóng hàng loạt phí “lạ lùng” từ hệ thống Metro Cash&Carry: Phí hỗ trợ... sinh nhật hàng năm cho từng siêu thị, phí mở siêu thị mới...

Vị tổng giám đốc này phân tích, Metro hiện có 19 siêu thị trên toàn quốc với khoảng 5.000 nhà cung cấp, DN của ông có 30 chủng loại sản phẩm (SKUs) tương ứng với ba ngành hàng. Đến đợt sinh nhật mỗi siêu thị, DN của ông phải chi 350 USD cho mỗi ngành hàng, tổng cộng là 1.050 USD. Ông L. nhẩm tính, chi phí hỗ trợ sinh nhật mà Metro thu từ nhà cung cấp khoảng gần 100 triệu USD mỗi năm. Giả định Metro Cash&Carry không nhận chiết khấu từ nhà cung cấp, hệ thống này vẫn có khoản lời không nhỏ.

Ngoài các chi phí hợp lý như chính sách chiết khấu, bán hàng, vận chuyển, phí hỗ trợ marketing, thuê quầy kệ, quảng cáo trong siêu thị, vị lãnh đạo DN này đặt dấu hỏi về phí mở mã hàng tại Metro Cash&Carry, BigC, Lotte Mart... trong khi hệ thống siêu thị Việt Nam thì hầu như không có. Ông dẫn chứng: Phí mở một mã hàng mới (mã của 1 sản phẩm - SKU) của BigC là 3 triệu đồng, của Lotte Mart là 2 triệu đồng, của Metro Cash&Carry tới 5 triệu đồng nên nhiều DN Việt muốn đưa hàng vào cũng gặp khó khăn. Với BigC, số tiền thu từ khoản phí này không hề ít khi hệ thống BigC hiện có 4 siêu thị với khoảng gần 50.000 sản phẩm.

Ông F. - giám đốc một DN kinh doanh chocolate tại TP. Hồ Chí Minh - cho rằng hệ thống siêu thị nước ngoài đang lập lờ trong việc thanh toán các khoản phí “lạ lùng” trên với nhà cung cấp.

DN đưa hàng vào siêu thị là phải chấp nhận các điều kiện về chất lượng sản phẩm, phương thức thanh toán cũng như các loại phí hợp lý. Nhưng với quá nhiều loại phí “hỗ trợ” lạ lùng của các nhà bán lẻ nước ngoài liệu có hợp lý và có dấu hiệu trốn thuế hay không? Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xem xét!

Theo ông F., doanh số của nhà cung cấp A bán cho Metro Cash&Carry là 1 tỷ đồng, sau khi trừ chiết khấu 5%, nhà cung cấp A xuất hóa đơn VAT cho Metro Cash&Carry 950 triệu đồng. Giả sử phí sinh nhật và mở điểm bán mới của nhà cung cấp A là 100 triệu đồng thì đến kỳ thanh toán (chậm), Metro Cash&Carry sẽ trừ thẳng vào công nợ. Như vậy, thực nhận của nhà cung cấp A chỉ có 850 triệu đồng. Số tiền phí 100 triệu đồng này không có chứng từ, hoặc có nhưng ghi lập lờ nội dung “thu phí hỗ trợ”.

Một phó chủ nhiệm một câu lạc bộ doanh nhân băn khoăn với loại phí này của hệ thống siêu thị nước ngoài. Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo giữa văn phòng chính và siêu thị “con” cũng làm DN mệt mỏi do văn phòng chính và nhà cung cấp ký hợp đồng phân phối nhưng việc đặt hàng và triển khai chương trình khuyến mãi phụ thuộc vào siêu thị “con”.

Ông L., cho biết, vào năm 2012, DN của ông tài trợ gần nửa tỷ đồng cho một chương trình khuyến mãi lớn của Metro Cash&Carry. Đổi lại, tại cửa ra vào mỗi siêu thị trong hệ thống này, DN được đặt 3 bảng để quảng cáo nhãn hàng. Nhưng khi nhân viên của ông kiểm tra thực tế thì có siêu thị đặt 1 bảng, có nơi 2 bảng, hoặc không có cái nào. Phản ảnh lại thì siêu thị thanh minh rằng do không đủ diện tích, còn văn phòng chính của Metro Cash&Carry thì bảo DN phải tự dàn xếp với siêu thị bên dưới.

Tất cả những loại phí “lạ” của siêu thị nước ngoài đã và đang “đè” DN Việt. DN chỉ biết kêu khổ với... chính mình mà thôi!