Giao dịch thẻ vượt một triệu tỷ đồng
(Tài chính) Chiếc thẻ nội địa đầu tiên ra đời vào năm 2002, đến nay các dịch vụ đi kèm ngày càng phát triển giúp thu hút hơn 56 triệu tài khoản cá nhân với doanh số giao dịch vượt một triệu tỷ đồng.
Kể từ khi trao đổi hàng hóa, ngoại thương phát triển, tiền mặt đã dần được thay thế bởi các phương thức thanh toán hiện đại và tiện dụng hơn. Với sự ra đời của chiếc thẻ đầu tiên trên thế giới vào năm 1949, chỉ cần mở một tài khoản tại ngân hàng, khách hàng có thể rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn mua hàng với chỉ một vài thao tác đơn giản.
Thời kỳ Internet bùng nổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và nhu cầu của thị trường, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cũng hình thành đa dạng như Internet Banking, Mobile Banking, Ví điện tử... Từ đó, quy mô thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng gia tăng.
Theo báo cáo mới nhất về thanh toán toàn cầu của Capgemini, tổng giá trị giao dịch không dùng tiền mặt năm 2012 lên tới 333 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm trước, tương ứng với gần 47 giao dịch một năm cho mỗi cư dân trên hành tinh. Đặc biệt, nhóm các nước đang phát triển có sự tăng trưởng ấn tượng, tới 18,7%, gấp 3 làn mức tăng của nhóm các nước phát triển.
Tại Việt Nam, thẻ nội địa đầu tiên ra đời vào năm 2002 và hiện có 43 ngân hàng tham gia phát hành. Đến cuối tháng 6/2014, cả nước đã có trên 72 triệu thẻ, gấp 3.600 lần năm 2002; lượng ATM (máy rút tiền tự động) và POS (máy chấp nhận thẻ) lên gần 165.000 chiếc. Doanh số thanh toán thẻ nội địa năm 2013 cũng lần đầu tiên vượt một triệu tỷ đồng.
Các dịch vụ hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking lần lượt ra đời từ năm 2004 đi kèm với các tiện ích như thanh toán hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, mua vé máy bay và mới đây là thu hộ ngân sách khiến tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt giảm từ trên 20% năm 2004 về còn khoảng 12% hiện nay.
Ví điện tử - một chiếc "ví" mở trên mạng dùng cho thanh toán trong thương mại điện tử xuất hiện tại Việt Nam năm 2008. Từ chỗ chỉ có khoảng 70.000 ví sau một năm phát triển, đến cuối năm 2013 lượng ví điện tử trên cả nước lên tới hơn 1,8 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch 23.300 tỷ đồng. Hiện đã có 9 tổ chức không phải là ngân hàng thí điểm dịch vụ ví điện tử thông qua 33 tổ chức tín dụng.
Trong tương lai, các chuyên gia nhận định thanh toán không dùng tiền mặt sẽ ngày càng nở rộ. Với Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tới năm 2015 tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt sẽ giảm về 11% để nhường chỗ cho các giao dịch phi tiền mặt, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng sẽ tăng từ 20% lên 35-40%.
"Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xây dựng chặt chẽ, song hành với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư, dịch vụ này sẽ ngày càng phát triển", đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho hay.
|