Giới chức Trung Quốc đang làm gì để đảm bảo trật tự trên thị trường tài chính?

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tháng 5/2021, Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn hành vi đầu cơ vào kim loại, thay đổi thuế bất động sản, rà soát lại lãi suất thế chấp tại nhiều thành phố, cấm hoạt động đào tiền mã hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: National Interest
Ảnh minh họa. Nguồn: National Interest

Cuộc chiến của giới chức Trung Quốc trong việc duy trì trật tự trên các thị trường tài chính hiện đang ngày một khó khăn hơn bởi tiền đổ quá nhiều vào các loại tài sản, từ hàng hóa cho đến nhà đất hay cổ phiếu.

Chỉ riêng trong tháng 5/2021, Chính phủ Trung Quốc đã thề sẽ ngăn chặn hành vi đầu cơ vào kim loại, thay đổi thuế bất động sản, rà soát lại lãi suất thế chấp tại nhiều thành phố, cấm hoạt động đào tiền mã hóa đồng thời tạm thời không hướng đến chính sách đồng nhân dân tệ mạnh.

Giới chức Trung Quốc đang muốn ngăn chặn rủi ro giá cả tài sản tăng trưởng quá nóng bởi họ muốn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho kinh tế hồi phục từ sau đại dịch Covid-19. Các biện pháp can thiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “túi tiền” các thị trường tài chính tại Trung Quốc.

“Xu thế chính sách hiện nay là tập trung vào đảm bảo ổn định tài chính. Bắc Kinh sẽ muốn giải quyết tình trạng bong bóng ngay từ ban đầu theo một cách tập trung, sử dụng đến các hoạt động điều chỉnh chính sách. Dường như đến hiện tại mọi chuyện đã ổn”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư khu vực châu Á tại JP Morgan châu Á – ông Alex Wolf nói.

Giới chức Trung Quốc đồng thời cũng đang siết chính sách với thị trường hàng hóa. Rất nhiều nước trên thế giới đang đương đầu với áp lực lạm phát tăng cao bởi kinh tế phục hồi khiến cho nhu cầu đối với hàng hóa tăng cao. Nhiều Ngân hàng Trung ương tại Mỹ và châu Âu khẳng định rõ ràng quan điểm rằng họ tin việc chỉ số giá tiêu dùng tăng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và rằng lãi suất siêu thấp sẽ được duy trì trong tương lai gần.

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Trung Quốc thời hạn 10 năm hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Tuy nhiên ở mức 3,1% - đây cũng là một mức lợi nhuận hấp dẫn với nhà đầu tư toàn cầu. Dòng tiền tìm vào Trung Quốc đã đẩy giá tài sản lên cao hơn.

Trung Quốc cũng đã thành công phần nào với cách tiếp cận của mình: trong những tuần gần đây, giá hàng hóa tương lai đã giảm từ mức cao kỷ lục còn giá của các loại tiền mã hóa cũng đi xuống. Giá bitcoin đã hạ 30% trong tháng này sau khi tỷ phú Elon Musk phàn nàn về chi phí môi trường của các loại tài sản số.

Việc giới chức Trung Quốc siết chặt quản lý với một số mảng trên thị trường tài chính Trung Quốc dẫn đến giá một số loại tài sản tăng. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng hơn 3% trong phiên ngày thứ Ba nhờ nguồn tiền kỷ lục qua kênh chứng khoán của Hồng Kông và việc nhà đầu tư mua mạnh hàng loạt chứng chỉ quỹ ETF. Điều này đã làm sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ tăng lên, tỷ giá đồng nhân dân tệ/USD hiện ở mức cao nhất trong 3 năm.

Thực tế đang diễn ra này có thể là chiến lược của giới chức Trung Quốc. Khi thị trường chứng khoán tăng điểm, sức nóng của thị trường hàng hóa sẽ giảm bớt, còn đồng nhân dân tệ tăng giá có thể giúp chi phí nhập khẩu hàng hóa giảm đi.

Yếu tố này chắc chắn làm dịu áp lực lạm phát và cho phép ngân hàng trung ương duy trì chính sách nới lỏng. Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt cũng sẽ giúp mang đến hiệu ứng chính trị xã hội tốt.

Tuy nhiên, rủi ro với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể là nếu việc giá tăng kéo dài và vượt quá tầm kiểm soát của Bắc Kinh, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ có thể buộc phải đưa ra biện pháp cứng rắn hơn, ví như rút bớt thanh khoản hoặc nâng lãi suất cơ bản đồng nhân dân tệ.