Giữa hai làn đạn

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (GAC) mới đây đặt ra các điều kiện cụ thể đối với Albania và Macedonia để được khởi động các chương đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sớm nhất vào tháng 6/2019. Động thái này cho thấy Brussels đang đi trên dây để có được thế cân bằng giữa một bên là ghi nhận nỗ lực của các nước Balkans với một bên là các nước thành viên kỳ cựu không mặn mà với những quốc gia mà họ nhìn nhận như gánh nặng tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗ lực của “khổ chủ”

Tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đề xuất Hội đồng châu Âu chấp thuận mở các chương đàm phán gia nhập với Albania và Macedonia nhằm ghi nhận tiến bộ của hai nước này trong thực hiện lộ trình hướng tới mục tiêu gia nhập EU.

Bên cạnh tiến triển trong cải cách các lĩnh vực kinh tế quan trọng, phi chính trị hóa hệ thống hành chính công, bảo vệ quyền cơ bản của công dân, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, Albania còn tiến hành cải cách hệ thống tư pháp một cách mạnh mẽ. Tại một đất nước mà nền chính trị luôn bị chia rẽ, các kết quả của Albania là rất đáng ghi nhận.

Còn tại Macedonia, chính phủ cầm quyền nhiều năm liên tục của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski đã bị thay thế bằng chính phủ mới với chương trình cải cách đầy tham vọng.

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev và người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras đã ký thỏa thuận đổi tên quốc gia thành “Cộng hòa Bắc Macedonia”. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp về tên gọi - nguyên nhân khiến Hy Lạp, nước thành viên của EU, “đóng băng” tiến trình gia nhập EU của Macedonia.

Các đánh giá và đề xuất tích cực của Hội đồng châu Âu đối với Albania và Macedonia, trong đó có việc ghi nhận nỗ lực cải cách mang tính lịch sử của hai nước này, là những diễn biến mới nhất cho thấy EU đang “hâm nóng” việc triển khai chính sách mở rộng đối với khu vực Balkan.

Đầu năm nay, EU đã đưa ra chiến lược mới với nhiều sáng kiến tiên phong, thậm chí còn đề cập khả năng gia nhập EU vào năm 2025 của hai quốc gia đi đầu trong khu vực là Montenegro và Serbia. Chính sách mới của EU được dư luận Balkan coi là tín hiệu về một chính sách mở rộng “đáng tin cậy” hơn của liên minh đối với khu vực này.

Brussels tiến thoái lưỡng nan

Trong 6 quốc gia Balkan xin gia nhập EU - gồm Serbia, Montenegro, Macedonia, Bosnia và Herzegovina, Albania và Kosovo (được một số quốc gia công nhận, còn Nga coi là một phần của Serbia) - Montenegro có nhiều cơ hội nhất. Vốn là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở Balkan, nước này đã là thành viên NATO và ít có di sản xung đột nhất từ Nam Tư cũ để lại.

Tuy nhiên, các nước muốn gia nhập EU hiện nay sẽ không có lợi thế như trước đây vì: Thứ nhất, nhiều thành viên mới của EU không hài lòng với dự án EU đa tốc độ; thứ hai, khoản tiền viện trợ cho các nước thành viên kém phát triển đang suy giảm đáng kể. Đây là kết quả của Brexit (Anh rời khỏi EU) và sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu.

Bà Corina Stratulat, Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (EPC) cho rằng, cần đánh giá việc điều chỉnh chính sách Balkan của EU một cách thực tế. Tiến trình mở rộng EU phải có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên đối với tất cả các quyết định liên quan. Gần đây, Áo và Bulgaria đã xác định chính sách mở rộng là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của EU.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quốc gia thành viên vẫn chưa phê chuẩn Chiến lược Balkan mới của Ủy ban châu Âu. Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan tại Sofia (Bulgaria) hồi tháng 5 - lần đầu tiên được tổ chức trong vòng 15 năm qua - đã không có sự tham dự của Tây Ban Nha, do nước này không công nhận Kosovo là quốc gia độc lập.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chọn thời điểm tồi tệ nhất để đưa ra tuyên bố khẳng định ưu tiên hàng đầu của EU hiện nay là cải cách và đoàn kết nội khối. Ngày 21.6, Hạ viện Hà Lan cũng đã phủ quyết việc mở các chương đàm phán gia nhập đối với Albania.

Mở rộng EU sẽ phụ thuộc vào giải quyết bất đồng giữa thành viên cũ và thành viên mới. Việc các nước Đông Âu từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư không chỉ thể hiện sự không sẵn sàng đối phó với vấn đề này, mà còn không muốn tuân thủ chính sách di cư của EU.

Các xu hướng “chống dân chủ” tại Hungary, Ba Lan và Romania đã góp phần không nhỏ vào bất đồng trong quan hệ với Brussels. Nếu Brussels không thành lập hệ thống duy trì kỷ luật hiệu quả giữa các nước thành viên EU, việc gia nhập của các quốc gia Tây Balkan, ngoại trừ Montenegro, sẽ còn là dấu hỏi.

Bà Stratulat cho rằng, ảnh hưởng của EU ở khu vực Balkan phụ thuộc phần lớn vào chính sách mở rộng đối với khu vực. Chính sách này cần các công cụ tốt hơn để gia tăng hiệu quả trong thực tế. Các nước thành viên EU không thể hy vọng các nước Balkan sẽ trở thành những nền dân chủ ổn định nếu không có sự can dự và hỗ trợ phù hợp từ liên minh.

Sự chần chừ trong thực hiện cam kết mở rộng đối với khu vực Balkan và ghi nhận nỗ lực cải cách của các nước này, như trong trường hợp Albania và Macedonia, sẽ tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của EU ở khu vực. EU cần tập hợp được sự đồng thuận chính trị và sớm đưa ra quyết định mang tính “lịch sử” đối với khu vực Balkan.