Những "điểm nghẽn"

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn và ban hành theo thẩm quyền nhiều Thông tư hướng dẫn Nghị định và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, theo đó khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài chính, CPH theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP như: Vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN; đối chiếu công nợ (phải thu, phải trả); kiểm toán nhà nước đối với DN CPH; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá… Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai CPH, tái cơ cấu DNNN đã phát sinh nhiều bất cập tại mỗi tập đoàn, tổng công ty mà các cơ chế, chính sách chưa bao trùm hết.

Vì vậy, việc xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh trong CPH còn lúng túng, chưa triệt để làm kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ như quy định xử lý tài chính và xác định lại giá trị của DN trong khi thực tế giá trị của DN lại thấp hơn các khoản phải trả. Nhiều DN đã lâm vào tình trạng phá sản, tuy nhiên lại được xử lý tài chính ngoài thủ tục phá sản DN, điều này lại không phù hợp với Luật Phá sản. Ngoài ra, phương pháp xác định giá khởi điểm của DN hiện vẫn còn chưa phù hợp, giá khởi điểm thường quá cao so với giá trị DN, tạo cho DN, cơ quan quản lý có tâm lý e ngại, chần chừ sợ trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước khi triển khai CPH.

Hiện nay, việc tái cơ cấu một số tập đoàn, tổng công ty đang gặp khó khăn về xử lý các vấn đề tài chính và thoái vốn tại một số đơn vị thua lỗ. Để đẩy nhanh CPH các DN đã xử lý vấn đề tài chính trước khi xác định giá trị DN và giá trị vốn Nhà nước tại DN để CPH theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp phải những bất cập như chưa kiểm kê, phân loại tài sản đúng đắn. Điển hình như, tại Công ty mẹ Tổng công ty xây dựng Hà Nội và Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, việc đánh giá, đối chiếu, xác nhận các khoản đầu tư tài chính, công nợ cũng chưa đầy đủ. Đáng chú ý, kết quả định giá của tổ chức tư vấn định giá còn sai sót. Qua kiểm toán tại 4 đơn vị được CPH trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đều phải điều chỉnh giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN. Cụ thể, tại Công ty mẹ - Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng giá trị DN tăng thêm 164,43 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước tăng 179,9 tỷ đồng; Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh giá trị DN tăng thêm 15,5 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước tăng 10,49 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giá trị DN giảm 126,15 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước tăng 10,01 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam giá trị DN giảm 4,02 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước giảm 0,084 tỷ đồng.

Kết quả định giá của tổ chức tư vấn định giá còn sai sót. Qua kiểm toán tại 4 đơn vị được cổ phần hóa trong năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đều phải điều chỉnh giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN.

Hướng dẫn tháo gỡ nút thắt

Trước những vướng mắc của DN khi thực hiện tái cơ cấu, ngày 5/9/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Điểm đáng lưu ý là Thông tư đã quy định rõ một số nguyên tắc khi thực hiện CPH DN 100% vốn nhà nước.

Khi thực hiện CPH công ty mẹ, công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải thực hiện xác định giá trị DN theo nguyên tắc sau: Thời điểm xác định giá trị DN của công ty con phải trùng với thời điểm xác định giá trị DN của công ty mẹ. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện CPH DN, quyết định công bố giá trị DN, quyết định phê duyệt phương án CPH DN, quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu DN, quyết định phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán chi phí CPH, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết toán số tiền thu từ CPH và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cổ phần lần đầu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (quyết định CPH DN).

Cơ quan quyết định CPH phê duyệt các khoản chi phí CPH DN theo quy định tại Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp CPH các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ thuộc tổ hợp công ty mẹ - công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ mà dự toán chi phí CPH vượt mức quy định tại khoản 4, Điều 12 Thông tư số 196/2011/TT-BTC thì Ban chỉ đạo CPH chỉ đạo DN CPH lập dự toán chi phí, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong phương án CPH, đồng gửi Bộ Tài chính để thực hiện giám sát.

Trước khi thực hiện CPH, DN CPH phải thực hiện kiểm kê, xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN, giá trị phần vốn nhà nước tại DN theo quy định của pháp luật hiện hành. Nhà nước không cấp thêm vốn để CPH, kể cả các DN theo quy định của Thủ tướng chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại DN nhà nước khi thực hiện CPH thuộc diện nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần. Sau khi đã được xử lý tài chính và thực hiện xác định giá trị DN mà không còn vốn nhà nước tại DN hoặc giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản nợ phải trả, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định CPH chỉ đạo DN phối hợp với Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các chủ nợ của DN xây dựng phương án tái cơ cấu DN để chuyển DN thành công ty cổ phần. Trong trường hợp phương án tái cơ cấu không khả thi, không có hiệu quả thì áp dụng hình thức giải thể, phá sản hoặc hình thức sắp xếp khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị DN CPH phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị DN không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản nhà nước thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Kết quả xác định giá trị DN CPH, giá trị thực tế phần vốn nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để DN CPH xác định vốn điều lệ, xây dựng phương án CPH và tổ chức bán cổ phần lần đầu, tổ chức đại hội đồng cổ đông, tiếp tục xử lý những vấn đề tài chính còn tồn tại đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, quyết toán tài chính quá trình CPH với nhà nước và bàn giao cho công ty cổ phần.

Người có thẩm quyền theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thành lập Ban chỉ đạo CPH DN để giúp tổ chức triển khai công tác CPH theo chế độ quy định. Ban chỉ đạo CPH giải thể sau khi DN CPH đã hoàn thành bàn giao sang công ty cổ phần. Những vấn đề về tài chính phát sinh (nếu có) sau khi DN CPH đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần nhưng có liên quan đến quá trình CPH thì cơ quan có thẩm quyền quyết định CPH DN có trách nhiệm tiếp tục xử lý. Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và Bộ Tài chính cử thành viên tham gia Ban chỉ đạo CPH DN có quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù và các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Gỡ nút thắt về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp

TS. ĐOÀN HƯƠNG QUỲNH

(Tài chính) Thực tế quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua cho thấy, việc xử lý tồn tại tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc này đã từng bước được khắc phục thông qua việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Thông tư 127/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 5/9/2014 sẽ tiếp tục tháo gỡ những "điểm nghẽn" của vấn đề trên…

Xem thêm

Video nổi bật