Gỡ vướng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng

Theo daibieunhandan.vn

Tại cuộc đối thoại trực tuyến về gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, với quy mô 30.000 tỷ đồng gói tín dụng này sẽ tạo cú hích ban đầu đối với việc phá băng cho thị trường bất động sản.

Gỡ vướng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa. Nguồn: cafeland.vn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nhược điểm lớn của thị trường bất động sản hiện nay là cung cầu mất cân đối, chủ yếu thể hiện ở hàng hóa thị trường chưa cần hoặc không cần, không phù hợp khả năng thanh toán của người dân như căn hộ cao cấp, biệt thự thì có nhiều. Trong khi đó, căn hộ có giá, quy mô vừa phải phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân thì lại rất thiếu.

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, chính thức được triển khai từ ngày 1.6, chỉ là một trong những giải pháp tổng thể và nhắm tới những đối tượng theo chiến lược nhà ở. Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm, do đó trong giai đoạn đầu, người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lựa chọn ngân hàng để làm thủ tục xin.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, từ cuối năm 2009 đã triển khai các chương trình xây nhà ở xã hội, đến nay cả nước đã có khoảng gần 10.000 hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp… Hiện tại có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có. Tuy nhiên, không nên hy vọng gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu nhà ở xã hội, mà đây sẽ là cú hích ban đầu đối với thị trường bất động sản. Về lâu dài phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân… Thực tế, hiện nhà ở cho sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp do người dân tự xây chiếm tới 70-80%.

Về giá nhà ở xã hội thu nhập thấp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội triển khai với gói tín dụng 30.000 tỷ đồìng sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, dự án của HUD tại tây nam Linh Đàm, nằm trong khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng cơ sở tốt nhưng giá dưới 12 triệu đồng/m2, giá nhà dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đồng/m2, các dự án nhà ở xã hội ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đồng/m2. Với mặt bằng giá cả vật liệu xây dựng, đất đai, đền bù hiện nay thì mức giá như vậy là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của chủ đầu tư.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nguồn cung cho nhà ở xã hội sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Cụ thể, có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và từ đầu tháng 6 đã liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 6 đã có 3 dự án như Dự án của HUD ở tây nam Linh Đàm với quy mô trên 1.000 căn; dự án của Viglacera ở Đặng Xá với quy mô 2.500 căn; dự án ở Bắc Thăng Long của CEO... Mặc dù nguồn cầu nhà ở xã hội ở Hà Nội rất lớn, trong đó riêng bộ, ngành đăng ký khoảng 30.000 căn nhưng các chủ đầu tư vẫn tiếp tục được tạo điều kiện đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có.

Ngay từ khi ban hành Thông tư 11 về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công khai, minh bạch khi triển khai chương trình này để người dân nắm được chủ trương và đảm bảo đồng vốn cho vay đến được đúng đối tượng; yêu cầu các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ phải theo dõi và lưu riêng hồ sơ các khoản vay của chương trình để phục vụ cho thanh tra, kiểm toán sau này.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh, gói hỗ trợ là một chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất, vì cần việc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng có nhu cầu, quy định rõ trách nhiệm của khách hàng, ngân hàng khi triển khai gói tín dụng và có cơ chế, chế tài xử lý khi vi phạm quy định này. Thứ ba là quy định về công tác thanh tra, kiểm soát của ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.

Việc xây nhà ở xã hội sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp từng thời kỳ để giải quyết dần từng bước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các ngân hàng thương mại có giải pháp kiểm soát tổng thể bảo đảm cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa sẽ bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng.

Trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng trong tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp vay…