Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay

Minh Vân

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phục vụ mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội có thể kéo dài một vài năm, do đó không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cần giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Ảnh: SBV
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cần giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Ảnh: SBV

Doanh nghiệp “than” lãi suất cao

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở xã hội, đại diện một số doanh nghiệp đã đưa nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, các địa phương giao đất "sạch" cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, từ đó giải ngân vốn mới nhanh.

Hiện thủ tục vay vốn đang rất lâu, vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất nên bỏ qua quá trình này, bởi đã là phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án.

Còn đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.

Cùng với đó, hiện mức lãi suất cho vay vẫn còn khá cao. Cụ thể, lãi suất cho vay bình thường đang ở mức từ 8-9%/năm. Trong khi đó, lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7-8,2%/năm.

“Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường. Đây cũng là một trong những lý do doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn”, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng cho biết thêm.

Ngân hàng mong tiếp cận được với khách hàng

Về phía ngân hàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm cho biết, Ngân hàng rất mong đươc tiếp cận với khách hàng để cho vay, rất cần có dự án, có khách hàng để giải ngân.

Theo Tổng Giám đốc BIDV, với gói 120.000 tỷ đồng, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chỉ đạo, BIDV đã khẩn trương triển khai trong toàn bộ chi nhánh. Đã tiếp cận 8 dự án, đã phê duyệt 4 dự án với gần 1.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 96 tỷ đồng. Ngân hàng giục các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không muốn muốn giải ngân, do đang dùng vốn tự có.

Theo ông Lâm, đối tượng mua nhà rất hạn chế: cán bộ chưa có nhà; thu nhập; điều kiện khác… nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tích cực triển khai vì đầu ra hạn chế.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Xây dựng tham mưu mở rộng đối tượng. Ngân hàng sẵn sàng tham gia cho các chủ đầu tư tốt, sẵn sàng cho vay 20 năm để cho thuê nhà ở xã hội…”, đại diện của BIDV đề xuất.

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, Vietcombank đang tiếp cận 21 dự án, gồm cả dự án đã đủ điều kiện pháp lý và các dự án đang hoàn thiện pháp lý. Hiện đã ký kết hợp đồng tín dụng với 01 khách hàng, tổng quy mô vay vốn khoảng 500 tỷ đồng, dư nợ chưa phát sinh.

Theo kế hoạch, đến ngày 30/6 là 50 tỷ đồng, hết năm 2024 là 900 tỷ đồng.

Đại diện Vietcombank cũng khẳng định, rất mong muốn được cho vay nhưng các dự án để có đủ điều kiện về pháp lý và có đủ kiều kiện vay đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng thương mại  cũng cho biết: Khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Cần duy trì mức lãi suất hài hòa

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, bất động sản luôn là vấn đề được NHNN quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường này phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì thế, nhiều chính sách của NHNN đã dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các NHTM…

"Đó là những giải pháp rất tích cực, quyết liệt, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đối với riêng chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc cho biết, là nguồn vốn của các NHTM. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

"Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.

Theo ông Tú, việc thực hiện gói tín dụng có một số khó khăn, vướng mắc chính, đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Hơn nữa, qua khảo sát thực tế, có không ít doanh nghiệp còn phải tính toán, chỉ cho mức lợi nhuận 10% tổng giá thành, nếu làm mà lỗ, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa muốn vay.

Trao đổi về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, chia sẻ với các doanh nghiệp về nguyện vọng lãi suất thấp là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng cần duy trì mức lãi suất hài hòa, lãi suất cho vay liên quan đến lãi suất huy động, bảo đảm chi phí các bên, đồng thời phải thực dương cao hơn so với lạm phát ở mức độ nhất định mới huy động được tiền gửi.

"Thực tế, không có nhiều nước có các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho người thu nhập thấp bằng cả nguồn lực ngân sách cũng như các ngân hàng như ở Việt Nam. Điều này thể hiện tính ưu việt trong chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước ta", lãnh đạo NHNN khẳng định.

Về việc bổ sung nguồn lực ngân sách từ gói hỗ trợ 2% đang bị chậm sang chương trình này cũng được tính tới nhưng cần tính toán thấu đáo và quan trọng phải được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

 

Theo NHNN, hiện có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án. Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố, có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác. Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.