Gửi tiết kiệm, ngân hàng nào đang có lãi suất cao nhất?
(Tài chính) Lãi suất đồng loạt giảm từ 18/3 nhưng nếu chịu khó tìm kiếm, khách hàng vẫn có thể tìm được nơi gửi tiền mang lại lợi nhuận cao.
"Ông lớn" lãi suất thấp
Trong "cuộc đua" hút tiền từ người dân, các ngân hàng lớn kém nhiệt tình hơn một chút khi niêm yết lãi suất có phần đuối hơn. Vietcombank là "ông lớn" hiếm hoi huy động vốn với lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng tới 60 tháng.
Cùng với Vietcombank, trước đây Agribank nhận được sự chú ý của dư luận khi có mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tuần thấp nhất thị trường, chỉ 5%/năm. Tuy nhiên, ở kỳ hạn dài, lãi suất của Agribank vẫn tương đối lớn dù đã điều chỉnh giảm. Ở kỳ hạn 13 tháng, Agribank áp dụng lãi suất 7,5%/năm.
Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất, Đông Á Bank không gặp nhiều áp lực về huy động vốn. Có lẽ vì vậy nên Đông Á chỉ dành cho khách hàng mức thu nhập trung bình với mức lãi suất cao nhất chỉ 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Trên website chính thức, Vietinbank niêm yết lãi suất cao nhất 6,8%/năm cho kỳ hạn từ 9 tháng đến 12 tháng. Tuy nhiên, Vietinbank chú thích thêm: "Đây chỉ là trần lãi suất, để biết mức lãi suất cụ thể Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Chi nhánh/Phòng Giao dịch VietinBank trên cả nước".
Trong khi đa số các ngân hàng lớn niêm yết công khai lãi suất huy động trên website, BIDV chỉ công bố lãi suất huy động USD mà không công bố cụ thể lãi suất huy động VND. Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí ngày 18/3, BIDV áp dụng trần lãi suất tối đa là 5%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm, tương ứng cho các kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 2 tháng, từ 3 đến 5 tháng, từ 6 đến 11 tháng và trên 12 tháng.
Sacombank lại muốn khách hàng tiếp cận trực tiếp với ngân hàng để biết biểu lãi suất huy động. Ngân hàng này không công khai lãi suất trên website dù tỷ giá ngoại tệ và giá vàng vẫn được cập nhật nhanh và đều đặn.
Ngân hàng nhỏ lãi suất cao
Chênh lệch giữa lãi suất huy động của ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn không còn cao như trước đây nữa. Dù vậy, ngân hàng nhỏ vẫn khát vốn hơn. Điều đó được thể hiện qua biểu lãi suất huy động của họ vẫn nhỉnh hơn ngân hàng lớn một chút.
Mang cái tên mới nhưng Ngân hàng Xây dựng là gương mặt cũ trên thị trường. Ngân hàng Đại Tín trở thành ngân hàng Xây dựng từ ngày 23/05/2013 khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chấp thuận đề nghị đổi tên của Đại Tín.
Đổi tên đồng nghĩa với việc thay đổi định hướng kinh doanh. Ngân hàng xây dựng có nhiệm vụ mới chuyên cung cấp dịch vụ đến các khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng nhà ở xã hội…
Không biết có phải chuyển hướng sang xây dựng, lĩnh vực "ngốn" nhiều vốn hay không mà Ngân hàng Xây dựng khá "khát vốn". Ngân hàng này có mức lãi suất hấp dẫn thứ hai trên thị trường. Mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 9,1%/năm, áp dụng cho 4 kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng.
Mức lãi suất huy động cao nhất thuộc về HDBank. HDBank huy động tiết kiệm từ người dân với lãi suất 9,5%/năm cho 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng được áp dụng mức 9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 8,5%/năm.
"Khiêm tốn" hơn Ngân hàng Xây dựng một chút, Bắc Á huy động với lãi suất 8,8%/năm. Mức lãi suất khá cao này áp dụng cho 2 kỳ hạn 24 và 36 tháng. Ở kỳ hạn thấp hơn, Bắc Á cũng huy động với lãi khá cao, 8,7% cho 13 tháng và 8,6% cho 12 tháng.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) huy động với mức lãi suất cao 8,75% cho kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn thấp hơn, OCB huy động với mức lãi không quá cao, chỉ từ 6% tới 7,8%.
GPbank và Vietbank cùng có mức lãi suất cao nhất 8,7%/năm. Nếu ở GPbank, lãi suất này được áp dụng cho nhiều kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì tại Vietbank, chỉ duy nhất kỳ hạn 36 tháng mới được hưởng lãi suất cao.
Khách hàng tại PGBank được hưởng lãi suất cao nhất 8,5%/năm khi gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn 36 tháng. Tại Seabank, lãi suất hấp dẫn mà khách được hưởng là 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng,…
Đua nhau "phá rào" cho vay
"Cuộc đua" huy động tại các ngân hàng dường như không "nóng" như "cuộc đua" cho vay. Dù rất nhiều khách hàng phàn nàn khó tiếp cận với nguồn vốn nhưng trên thực tế, ngân hàng vẫn không ngừng nỗ lực để "giải phóng" dòng vốn ế ẩm.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng "phá rào" khiến lãi suất cho vay thấp hơn huy động. Tuy nhiên, mức lãi suất siêu ưu đãi này chỉ được hưởng trong thời gian ngắn và chỉ áp dụng cho một số dự án ngân hàng có liên kết.
BIDV dành cho khách hàng mức lãi suất ưu đãi 5%/ năm (trong 6 tháng đầu tiên) khi vay vốn mua biệt thự tại Dự án Xanh Villas. Thời hạn vay lên đến 20 năm, lãi suất sau đó tính theo lãi suất thông thường của BIDV.
OCB cho vay lãi suất 5,99%/năm trong 3 tháng đầu kể từ ngày 01/06 - 31/01/2014. Mức lãi suất tăng lên 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo dành cho khách hàng cá nhân mua xe ôtô tại hơn 128 đại lý xe trên toàn quốc ký hợp đồng hợp tác với OCB.
HDBank có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường 9,5%/năm nhưng lại hỗ trợ người dân và hộ kinh doanh cá thể thực hiện các kế hoạch đầu năm với lãi suất ưu đãi thấp nhất 6,8%/năm trong chương trình "Vay tiền Phát lộc".