"Lối thoát" căn hộ giá rẻ

Trả lời báo chí mới đây, ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, người mua nhà đất không nên chần chừ thêm nữa bởi giá bán hiện nay đã rất sát với giá thị trường. Trên thực tế, thời gian vừa qua, nhiều DN đã đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn khi khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án, song tính thanh khoản trên thị trường vẫn không nhiều, do người mua tiếp tục chờ giá BĐS giảm sâu bằng đúng khả năng tài chính của họ. Trong khi đó, những gói hỗ trợ tín dụng của ngân hàng thương mại cũng tính toán trên khả năng trả nợ của khách hàng nên không phải ai cũng vay được tiền.

Một số chủ đầu tư đã nhanh nhạy “bắt mạch” tâm lý người tiêu dùng, đưa ra loại hình căn hộ diện tích nhỏ với giá bán “siêu rẻ”, nhằm kích cầu tiêu dùng, giải thoát hàng tồn kho và đã bước đầu thành công. Điển hình cho “trào lưu” này là Công ty Xây dựng tư nhân Số 1 Lai Châu - chủ đầu tư dự án chung cư Đại Thanh, mới đây đã công bố giá bán gây “sốc” trên thị trường, chỉ 10 triệu đồng/m2 với các căn hộ có diện tích từ 36-48 m2. Theo các chuyên gia, đây là hướng đi đúng và “trúng” của DN này, giữa lúc thị trường địa ốc đang trầm lắng và mất thanh khoản nghiêm trọng.

“Mô hình và hướng đi mới của dự án chung cư Đại Thanh là rất đúng đắn và cần nhân rộng ra khắp cả nước, vì thị trường giờ đây thuộc về “thượng đế”. Chủ đầu tư nào “đánh trúng” tâm lý và túi tiền của người mua thì sẽ bán được hàng” bà Nguyễn Thị Thỏa, một khách hàng mua chung cư Đại Thanh chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện Liên minh 5 sàn giao dịch BĐS (G5), giá bán sản phẩm chỉ là một yếu tố và trong lúc thị trường “ít niềm tin” như hiện nay, tiến độ, uy tín của chủ đầu tư mới là yếu tố khách hàng quan tâm nhất. Muốn vực dậy thị trường trong bối cảnh khó khăn, ông Khánh cho rằng, dự án không phải cứ giá rẻ là có sức cạnh tranh lớn mà còn tùy thuộc vào vị trí, diện tích, thiết kế căn hộ, tiến độ thực hiện, uy tín của chủ đầu tư… Quan trọng hơn là chủ đầu tư phải “luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu khách hàng” trong bối cảnh “thượng đế” ngày càng đòi hỏi cao hơn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Cường, Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định. “Cái thời chủ đầu tư địa ốc “làm mưa làm gió” với các chiêu “thổi giá”, không minh bạch thông tin dự án… đã hết. Thời điểm này, chủ đầu tư nào làm dự án chuyên nghiệp với những sản phẩm uy tín về chất lượng, đảm bảo về tiến độ sẽ được khách hàng lựa chọn”. Đây cũng là thách thức với mỗi chủ đầu tư, nhưng cũng giúp thị trường sàng lọc, loại bỏ những DN yếu kém, quen làm ăn chụp giật.

Cần thêm sản phẩm phù hợp

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Info thuộc Tập đoàn Đại Dương cho biết, nhiều sàn giao dịch BĐS gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, song vẫn trụ vững vì đưa ra thị trường các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Trong tình hình thị trường khó khăn hiện nay, việc giảm chi phí xây dựng cũng như tính toán mức độ lợi nhuận hợp lý là các yếu tố rất quan trọng để dần đưa BĐS về giá trị thực.

Trên thực tế, “căn bệnh” khó chữa của BĐS là do nhiều người nhầm tưởng, đầu tư vào BĐS là ngành dễ sinh lời và ai cũng có thể tham gia làm được. Điều này chỉ xảy ra khi thị trường bong bóng. Đến nay, qua nhiều năm khó khăn, thị trường đã trải qua cuộc sàng lọc lớn, nhiều người mới nhận ra một điều, BĐS thực sự là một ngành kinh doanh cần nhiều điều kiện, nhất là tính chuyên nghiệp trong thẩm định dự án đến nguồn vốn đầu tư của DN chứ không trông cậy vào vốn vay ngân hàng và vốn huy động của khách hàng.

“Rào cản lớn nhất của thị trường địa ốc hiện nay vẫn là chính sách tín dụng quá bó buộc. Nhiều người nói, ngân hàng đã rộng cửa cho DN và khách hàng vay vốn, với lãi suất đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, dù có tài sản thế chấp, nhưng DN vẫn gặp khó khăn khi cần vốn vay. Nếu có vay được, thì mức lãi suất cũng phải 17-18%/ năm, nên nhiều DN không chịu nổi”, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh, chia sẻ.

Trong khi đó, mới đây, Công ty TNHH CBRE công bố căn hộ để bán trong quý III/2012 có mức giá giảm mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2011. “Thị trường BĐS đang thuộc về người mua, nên sự hồi phục của thị trường phụ thuộc nhiều vào sức mua và tâm lý của khách hàng”, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, đánh giá.

Có thể nói đến thời điểm này, các chủ đầu tư dự án căn hộ ở Hà Nội đều đã chấp nhận giảm giá bán với mức giảm phổ biến từ 5 - 10 triệu đồng/m2 so với giá bán cách đây 1 - 2 năm. Ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc CenGroup nhận định: “Không có gì chắc chắn là giá sẽ không giảm tiếp”.

Hạ giá để “cứu” mình…

Thu Huyền

(Tài chính) Hai Công ty Tư vấn và Nghiên cứu hàng đầu về bất động sản tại Việt Nam (CBRE và Savills) vừa công bố kết quả báo cáo quý III/2012 cho thấy, bức tranh toàn cảnh về thị trường địa ốc cả hai miền Nam - Bắc “không mấy sáng sủa”. Điều này phản ánh tâm lý của người mua vẫn đang mong chờ giá bất động sản giảm thêm.

Xem thêm

Video nổi bật